Ngày 14/5, trả lời trực tuyến báo điện tử Đảng cộng sản về công tác bầu cử, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia khẳng định: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức bầu cử phải bảo đảm yêu cầu nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Đồng thời phải kịp thời triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Y tế về các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19; tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử với hình thức phù hợp, bảo đảm an toàn.
Các cơ quan, đơn vị chủ quản ứng cử viên chủ động trong việc thực hiện xét nghiệm SARS-COV-2 cho các ứng cử viên trước khi tiếp xúc cử tri và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo an toàn trong khi tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử và các hoạt động khác của cuộc bầu cử.
“Trong trường hợp cần thiết, các địa phương có thể tiến hành tổ chức xét nghiệm cho ứng cử viên nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe nhân dân trong đợt vận động bầu cử”, ông Cường cho hay.
Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh rằng, trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 bùng phát dẫn đến không thể tổ chức được việc bỏ phiếu vào đúng ngày bầu cử hoặc đối với địa phương do dịch bệnh phải áp dụng biện pháp cách ly, phong tỏa xã hội, Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh sẽ chủ động đề xuất, kịp thời báo cáo rõ phương án (thời điểm, cách thức thực hiện việc bỏ phiếu và những công việc cần thực hiện khác) để Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét, quyết định.
Hà Nội: Giãn tiến độ cử tri đi bầu
Theo ông Bùi Văn Cường, ngay tại thời điểm hiện nay, một số địa phương cũng đã, đang phải tính đến các phương án tổ chức bỏ phiếu trong bối cảnh phòng chống dịch, đảm bảo an toàn. Ví dụ ở Hà Nội sẽ có thêm các biện pháp phòng chống dịch tại nơi bầu cử và có phương án riêng đối với các điểm cách ly, phong tỏa.
Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội đã kiến nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia về các phương án đặc thù tổ chức bầu cử tại các điểm cách ly y tế. Theo đó, một số điểm hiện bị cách ly trước là "điểm bỏ phiếu phụ" (do số lượng cử tri ít) nay thành điểm có số lượng cử tri đông, ví dụ như Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.
Vì vậy, Ủy ban bầu cử thành phố đã xin chia nhỏ và ghép số lượng cử tri đang ở khu cách ly vào các khu vực bỏ phiếu liền kề nhưng vẫn bảo đảm số lượng cử tri tại một đơn vị bầu cử không vượt quá 4.000 người.
Ông Bùi Văn Cường thông tin, tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều hiện có hơn 3.400 người cách ly. Khi kiểm tra việc cách ly và chuẩn bị bầu cử tại đây, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã yêu cầu huyện Thanh Trì làm việc với lãnh đạo Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, bố trí tại đây 2 thùng phiếu lưu động để cán bộ, y bác sĩ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại đây vẫn được thực hiện đầy đủ quyền bầu cử.
Dự kiến trước ngày bầu cử 5 ngày, Ủy ban bầu cử thành phố sẽ có hướng dẫn chi tiết về việc tổ chức bầu cử giãn tiến độ cử tri đi bầu, phân theo khu vực, phân theo giờ để bảo đảm phòng chống dịch.
TP HCM: Khử khuẩn phiếu bầu, thùng phiếu
Tại TP. HCM, Ủy ban bầu cử yêu cầu sắp xếp chỗ ngồi đảm bảo yêu cầu giãn cách, hạn chế tập trung đông người; bố trí người tham dự không quá 50% sức chứa của hội trường tổ chức. Nếu địa điểm bỏ phiếu đang thực hiện giãn cách xã hội, sẽ xử lý khử khuẩn phiếu bầu và thùng phiếu, đảm bảo giữ khoảng cách 2m giữa những người tham dự.
Đồng thời bố trí thời gian bỏ phiếu và phân luồng từ xa phù hợp cho cử tri từng khu vực, điểm dân cư. Riêng trường hợp tổ chức cho cử tri đang cách ly tại nhà bỏ phiếu, phải hạn chế tối đa tiếp xúc gần, đụng chạm trực tiếp. Sau khi bàn giao thùng phiếu phải sát khuẩn, vệ sinh cá nhân trước khi rời khỏi khu vực bỏ phiếu, tự cách ly 14 ngày tại nhà.
Bắc Giang không khai mạc đông người
Còn tại Bắc Giang, dự kiến sẽ không tổ chức khai mạc đông người trong ngày bầu cử; chia nhỏ cử tri thành nhiều đợt để bỏ phiếu theo giờ, tránh tập trung đông người; tại mỗi điểm bầu cử, khu bỏ phiếu đều phải có đầy đủ điều kiện phòng dịch như sát khuẩn, giữ khoảng cách, đo thân nhiệt cử tri, yêu cầu phải đeo khẩu trang y tế, đặt vị trí thùng phiếu đúng khoảng cách an toàn để bảo đảm khoảng cách an toàn cho cử tri khi ghi phiếu, bỏ phiếu và trong lúc đứng chờ bỏ phiếu.
Với khu vực "cách ly nhà với nhà" sẽ thực hiện mang thùng phiếu phụ đến từng nhà để cử tri thực hiện quyền bỏ phiếu. Đối với các bệnh nhân dương tính với COVID-19, các F1 đang thực hiện cách ly tập trung, tỉnh sẽ điều chỉnh danh sách cử tri về nơi cử tri đang thực hiện cách ly hoặc điều trị COVID-19 để họ thực hiện quyền cử tri…
Sẵn sàng thay thế
Trao đổi về các phương án phòng dịch khi bầu cử, ông Nguyễn Chí Đoàn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên Ủy ban Bầu cử Thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đã chủ động xây dựng các phương án, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã, các tổ chức phụ trách bầu cử các nội dung về phòng chống dịch COVID-19 trong thực hiện bầu cử.
Trong trường hợp phát hiện cử tri có nhiệt độ thân nhiệt cao, ho, sốt, hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 thì hướng dẫn cử tri thực hiện các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đồng thời vẫn phải đảm bảo quyền bầu cử của cử tri theo quy định.
Hà Nội cũng tổ chức tập huấn cho tất cả các thành viên làm nhiệm vụ bầu cử tại các khu vực bỏ phiếu về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Uỷ ban bầu cử các quận, huyện, thị xã chỉ đạo duyệt kịch bản trong ngày bầu cử của tất cả các đơn vị trực thuộc, những đơn vị có điều kiện có thể tổ chức diễn tập thử theo kịch bản đã phê duyệt.
Đồng thời có phương án để sẵn sàng thay thế thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử ở các cấp, trong trường hợp các thành viên là người tiếp xúc gần với trường hợp xác định mắc COVID-19 (F1, F2) dẫn đến phải cách ly tập trung, cách ly tại nhà hoặc do yêu cầu nhiệm vụ.
“Đối với những nơi không thể chuyển ngay hòm phiếu phụ về phòng bỏ phiếu do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh thì sau khi hết giờ bỏ phiếu, thành viên Tổ bầu cử tại cơ sở cách ly tập trung được phép thực hiện việc kiểm phiếu theo quy định”, ông Đoàn cho hay.