Săn cá voi mưu sinh gần hòn đảo hẻo lánh

Địa hình phần lớn là núi đá nên người dân sống trên đảo Lembata của Indonesia phải dựa chủ yếu vào việc chài lưới, trong đó nổi bật nhất là săn cá voi và cá heo, để mưu sinh.

Làng Lamalera năm trên hòn đảo Lembata ở khu vực Nusa Tenggara Timur, Indonesia. Ở đây hoàn toàn không có sóng điện thoại trong khi điện lưới chỉ lác đác. Địa hình núi đá khiến người dân trên đảo không thể trồng các loại cây hoa màu. Cuộc sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn lợi từ biển. Một trong những đặc sản ở Lamalera là thịt, mỡ và xương cá voi.

Vùng nước sâu gần đảo Lembata nằm trên con đường di cư của hơn chục loài động vật có vú sống dưới biển, bao gồm cả những loài to lớn như cá nhà táng hay cá voi sát thủ. Tuy nhiên, người dân sống trên đảo chỉ săn cá voi với mức vừa đủ đáp ứng nhu cầu thiết yếu thay vì tạo ra ngành công nghiệp săn cá voi như ở Nhật Bản, SMH cho hay.

Thông thường, mùa săn cá voi thường kéo dài từ đầu mùa xuân tới cuối mùa thu. Trước khi lên thuyền ra khơi, người ta thường thực hiện các nghi lễ để tôn vinh mối quan hệ khăng khít giữa thợ săn và con mồi. Người ta cũng sửa chữa thuyền và mài giũa công cụ để sẵn sàng hành trình vật lộn với những con vật khổng lồ dưới đại dương.

Người dân Lamalera săn cá voi bằng những ngư cụ thô sơ. Họ tiếp cận con mồi trên những con thuyền nhỏ sử dụng sức người. Những người đàn ông khỏe mạnh sẽ cố gắng đâm mũi lao nhọn vào người con cá voi hoặc cá heo. Mũi lao được buộc chặt với thuyền bằng dây thừng. Các ngư dân phải vật lộn nhiều giờ trước khi khuất phục được con mồi. Ngoài ra, họ cũng săn bắt những con cá mập voi nếu bắt gặp.

Thời gian vật lộn trên biển phụ thuộc hoàn toàn vào kích thước con mồi. Thông thường, thợ săn sẽ cố gắng cắm móc sắt vào phần lỗ thoát khí trên đầu con cá voi hoặc cá heo để khiến chúng ngạt. Sau đó, người ta dùng dao cắt động mạch chủ của con vật và liên tiếp đánh nó bằng gậy gỗ. Một con cá heo non thường cầm cự được khoảng 15 phút trước khi bất động.

Bernardus, một thuyền trưởng kỳ cựu, cho biết những con mồi mới lớn thường dễ bị hạ hơn những con trưởng thành. Thông thường, họ phải vật lộn nhiều giờ, đôi khi là cả ngày để bắt được một con cá voi trưởng thành. Có trường hợp một con cá nhà táng lớn đã đánh đắm thuyền của những thợ săn khiến họ trôi dạt trên biển.

Kể từ năm 2002 tới năm 2007, dân làng Lamalera đánh bắt được 13 con cá voi. Tuy nhiên, cách thức đánh bắt này của họ bị coi là dã man và vô nhân đạo. Các chuyên gia nghiên cứu về cá voi và cá heo đánh giá chúng là loài động vật thông minh.

Người dân sống trên đảo Lembata được phép đánh bắt cá voi phục vụ mục đích mưu sinh. Ngoài Indonesia, nhiều tộc người bị cô lập khác cũng phải dựa vào nguồn thịt từ cá voi để duy trì cuộc sống.

Ngày nay, giới chức Indonesia đang đầu tư phát triển du lịch tới Lembata nhằm cải thiện cuộc sống của người dân địa phương.

Theo Theo Zing