Vẻ đẹp của người phụ nữ là một trong những đối tượng phản ánh hấp dẫn của văn học - nghệ thuật nhân loại từ cổ chí kim, trong đó có mỹ thuật. Những hình tượng người khoả thân (nude) trên vách đá có từ ngàn năm là minh chứng cho sức sáng tạo hết sức dồi dào của con người.
Nhiều danh họa lừng lẫy thế giới như Michelangelo, Rafael, Leonardo da Vinci... thời Phục Hưng rực rỡ, rồi cho đến Van Gogh, Matisse, Picasso... sau này, đều có những tác phẩm kinh điển ngợi ca vẻ đẹp “một nửa” của nhân loại.
Theo các nhà nghiên cứu, hình tượng phụ nữ khỏa thân ở ta đã xuất hiện từ xa xưa, trên thạp đồng, đồ vật trang trí, đình làng, tranh khắc gỗ dân gian...
Từ đầu thế kỷ XX, với sự ra đời của trường Mỹ thuật Đông Dương (1925), vẽ khỏa thân đã trở thành những bài học “vỡ lòng” rất quan trọng với các sinh viên mỹ thuật.
Theo Phó Giáo sư, họa sĩ Lê Anh Vân, những lớp họa sĩ đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương, như Nguyễn Phan Chánh đã có nhiều bức vẽ khỏa thân đẹp, với chất liệu lụa mềm mại như “Tiên Dung tắm”, “Trăng lu”, “Trăng tỏ”...
Họa sĩ Tô Ngọc Vân thì nổi tiếng với tác phẩm sơn mài nổi tiếng “Khi giặc đi qua”, khắc họa hình tượng phụ nữ khỏa thân sau trận càn làm xúc động lòng người.
Khi sách ra đời, rất nhiều họa sĩ trước đó từ chối tham gia, rất tò mò đã đến NXB để xem “mặt mũi” sách như thế nào, thậm chí có người không tin là sách đã được in.
Và rồi, lại tiếc hùi hụi là mình đã không tham gia! Họa sĩ Ngô Thành Nhân cho biết, ông nhận được những cú điện thoại từ một số quan chức ngành văn hóa, tướng công an... đặt mua sách để tặng bạn bè nhân dịp Tết đến, xuân về!
Tranh khoả thân của họa sĩ Bùi Xuân Phái thì có nhiều nét ẩn dụ sâu xa như “Phụ nữ khỏa thân với cái trống”, “ Phụ nữ khỏa thân với phố”... Họa sĩ Lê Anh Vân coi khỏa thân là “hình tượng đẹp nhất, được nghệ sĩ ham mê và mong muốn làm cho cái đẹp trường tồn”.
Thế nhưng, cho đến nay, tranh khỏa thân ở ta vẫn là một địa hạt “nhạy cảm”. Nhà phê bình Lê Quốc Bảo nhận định: Tranh khỏa thân của mỹ thuật hiện đại Việt Nam vẫn dừng lại ở thứ “nghệ thuật salon”, các tác giả tự chiêm ngưỡng với nhau, đối tượng cực hẹp.
“Nỗi buồn này chẳng của riêng ai? Mãi đến triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1990, một vài bức tranh khỏa thân mới được tuyển chọn, trưng bày. Song, đến năm 2009, Hội Mỹ thuật Huế tổ chức một triển lãm mỹ thuật khỏa thân thì buồn thay - không được phép trưng bày” - ông Bảo cho biết.
Ông Bảo cũng dẫn chứng, ngay Trung Quốc - một nước đại phong kiến trước đây, nhưng cách nay hơn chục năm đã mở một cuộc triển lãm mỹ thuật khoả thân bề thế ở giữa thủ đô Bắc Kinh. Còn ta thì... Vì vậy, coi sự ra đời của sách “Tranh, tượng khỏa thân” là một cuộc cách mạng về xuất bản phẩm mỹ thuật - âu cũng không ngoa.
Vì sao còn thiếu vắng một số tên tuổi
Tranh, tượng khỏa thân được hoàn thành trong vòng chưa gần một năm, nhưng, họa sĩ Ngô Thành Nhân - Trưởng Ban Mỹ thuật NXB VH-TT - người biên tập và tổ chức bản thảo cuốn sách - thì đã trăn trở từ nhiều năm nay.
Anh cho biết: “Đây là một vấn đề nhạy cảm, thuộc về lĩnh vực đạo đức xã hội nên chúng tôi tiến hành các bước hết sức cẩn thận. Chúng tôi đã gửi thư mời tới 500 họa sĩ.
Hầu hết các họa sĩ đều nói “Cuốn sách này không làm được đâu”!? Là người biên tập, nên chúng tôi rất lo lắng. Một nữ họa sĩ gửi tranh đồng ý ghi là “Khỏa thân tự họa”, nhưng sau đó lại rút lui vì lý do tế nhị.
Tôi đề nghị họ tiếp tục tham gia thì họa sĩ nói: “Em có lòng tự trọng của em. Em mà cho anh in tranh thì em phải ghi rõ là “Khỏa thân tự họa”. Nhưng thế thì...”. Cuối cùng, chúng tôi đã tập hợp được hơn 50 họa sĩ gửi tranh, tượng tham gia cuốn sách.
Được sự ủng hộ, giúp đỡ của anh Khương - Giám đốc NXB và sự đồng ý của cấp có thẩm quyền, cuốn sách được ra đời, ban đầu, định ra mắt đúng dịp ĐH Mỹ thuật Việt Nam tháng 12 - 2009 nhưng không kịp. Và cho đến dịp đầu năm nay, sách mới ra mắt bạn đọc gần xa. Cuốn sách phản ánh một phần nghệ thuật tạo hình Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20 và 10 năm đầu thế kỷ 21...”.
Họa sĩ Ngô Thành Nhân cho biết thêm: Sách được làm theo phương thức xã hội hóa vì chi phí in ấn rất cao. Với số tiền không lớn từ sự góp sức của chính các họa sĩ và NXB, sách được in ấn trong 4 tháng. Vì sao mỗi tác giả chỉ chọn in tối đa 3 tác phẩm mà không phải là 5, hay 10...?
Chúng tôi cho rằng, cuốn sách dừng lại từ 150 - 160 tranh là vừa, vì thị giác của con người tiếp nhận như thế là đủ. Nếu thêm nữa, người đọc sẽ mệt mỏi. Một số họa sĩ gửi tranh in sách vẫn nghi ngại không biết sách có được tái bản lần sau không, nên đã đề nghị NXB chỉ đề tên sách chung chung mà không đề là tập 1, quyển 1...
Sẽ đấu giá sách làm từ thiện cho người nghèo
Theo họa sĩ Ngô Thành Nhân, sắp tới, sẽ tổ chức triển lãm giới thiệu các tác phẩm tranh, tượng khỏa thân in trong sách tại Việt Art (42 Yết Kiêu, Hà Nội) cùng với hoạt động giao lưu và bán sách. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tổ chức đấu giá bán cuốn sách có đủ chữ ký của 52 họa sĩ, những người làm sách, nhà in để làm từ thiện cho người nghèo.
Tranh, tượng khỏa thân được in số lượng khiêm tốn 1.000 bản với giá thành 350 nghìn đồng/cuốn, so với mặt bằng giá sách chung hiện nay là cao, nhưng so với chi phí in thì lại rẻ. Tổng công ty Sách Việt Nam đã quyết định độc quyền phát hành cuốn sách. Sách giới thiệu 156 tác phẩm của 52 tác giả, in trên giấy couche trắng, khổ 26cm x 36 cm.
Nhiều thế hệ họa sĩ ở khắp mọi miền được tôn vinh như: Nguyễn Tiến Chung, Phan Kế An, Phạm Viết Song, Trần Khánh Chương, Lê Đình Quỳ, Lê Anh Vân, Công Quốc Hà, Bùi Mai Hiên, Trần Văn Bình, Khúc Đỗ Tri... sáng tác ở nhiều thể loại: bột màu, sơn dầu, màu nước, điêu khắc...
Cao tuổi nhất là họa sĩ Phan Kế An (sinh năm 1922) và ít tuổi nhất là Khúc Đỗ Tri (sinh năm 1977, giảng viên trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội).
Lão họa sĩ Phan Kế An dù tuổi gần 90, lại có cục sắt trong tim (cụ mới mổ tim) nhưng khi nhận được thư mời đã hồ hởi leo lên gác 3 của Ban Mỹ thuật gửi tranh. Cụ bảo: “Lần đầu tiên các em làm nên tôi hưởng ứng ngay. Từ trước đến nay chúng tôi chỉ vẽ nuy trong bóng tối thôi.”
Nhiều họa sĩ đã đánh giá cao sự ra đời của cuốn sách. Họa sĩ Trịnh Yên cho rằng, cuốn sách đã đạt được tính nghệ thuật và hình thức. “Không ai ngăn cản nhưng chính chúng ta phải xem lại mình. Khó chăng? Không phải thế. NXB VH-TT đã vượt qua được, chắc chắn sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ.
"Chúng ta phải chiến thắng các quan niệm cũ. Chỉ có nghệ thuật nude mới chọi được sex trắng trợn và bạo lực sex đang đầy rẫy trên Internet. Xem tranh nude, lớp trẻ sẽ tự cân bằng và chống lại những cái gì phản cảm” - họa sĩ Trịnh Yên phát biểu thẳng thắn.
Nhà phê bình Lê Quốc Bảo thì nhấn mạnh: “Theo tôi, đây là một cuộc cách mạng về xuất bản phẩm mỹ thuật. Một nền mỹ thuật lành mạnh, chấp nhận tất cả mọi xu hướng, khuynh hướng với mọi đề tài. Không được phép độc tôn một xu hướng nghệ thuật nào, một đề tài nào... Hãy hy vọng và chờ đợi các triển lãm mỹ thuật khỏa thân và các xuất bản phẩm nghệ thuật khỏa thân”.
Còn tôi - với tư cách một công chúng yêu hội họa - cầm cuốn sách trên tay, rất mừng được đón nhận một ấn phẩm mỹ thuật gây ấn tượng. Song, vẫn không khỏi băn khoăn khi sách vắng bóng một số “đại thụ” trong làng mỹ thuật Việt như Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái...
Hỏi chuyện, họa sĩ Ngô Thành Nhân trầm ngâm: “Không phải là chúng tôi quên các bậc tiền bối. Chúng tôi đã gửi thư mời tới gia đình các họa sĩ nổi tiếng trên nhưng rất tiếc lại nhận được lời từ chối.
Có gia đình họa sĩ hỏi: “Thế cuốn sách gồm những ai?”, khi thấy chúng tôi liệt kê ra nhiều gương mặt trẻ thì gia đình họa sĩ lắc đầu như không muốn danh họa ngồi cùng “mâm” với họ! Mong rằng, có dịp xuất bản lần sau, chúng tôi sẽ bổ sung được nhiều gương mặt họa sĩ đại diện cho hội họa Việt Nam”.