Sa thải

TP - Làn sóng sa thải nhân sự đang lan mạnh toàn cầu. Khắp nơi đều nghe sa thải, nhất là tại các hãng công nghệ khổng lồ. Mỗi nơi mỗi lúc hàng ngàn đến hàng chục ngàn người bị sa thải.

Đến nỗi có hẳn một thuật ngữ mới, đó là “thông báo sa thải qua email” (viết tắt tiếng Anh eRIF). Từ biệt mà không cần phải đối diện nhau lần cuối.

AI càng phát triển, con người càng ít việc. Chính xác hơn năng suất lao động của mỗi cá nhân “sống sót” trong guồng máy được tăng lên thậm chí nhiều lần, với sự trợ sức của trí tuệ nhân tạo. Như Amazon, hãng thương mại điện tử khổng lồ đang bổ sung khoảng 1.000 robot mỗi ngày. Máy bay không người lái đã giành việc giao hàng thay con người. Hãng này có 1,6 triệu nhân viên, thì hơn 520.000 robot được sử dụng, và theo tính toán đến cuối thập kỷ này nơi đây người sẽ ít hơn máy.

Loài người đang sa thải lẫn nhau. Để tránh “tiếng ác” cho những người phải đứng ra làm nhiệm vụ cắt giảm ngay cả những bạn bè, nhân viên thân thuộc của mình, nhiều hãng đã thiết kế một thuật toán, để chính máy móc “đuổi việc” con người một cách ngẫu nhiên. Con người đang bị máy móc sa thải, đúng theo nghĩa đen.

Tất cả đều đang tái cấu trúc thực thể kinh tế của mình. Để tối ưu hóa nhân sự, tìm phân khúc mới giữa thời AI “hoành hành”. Con người có biết mình thuộc phân khúc nào? Thời đại này đang ở phân khúc nào trên dòng thời gian của cái gọi là tương lai? Khó biết. Chỉ thấy các chuyên gia cho rằng chúng ta đang “ở buổi bình minh của thời đại người máy”.

Tuy vậy, thực tế cũng không đến nỗi quá bi đát. Khi bên cạnh cắt giảm là tuyển dụng. Thu hẹp lĩnh vực này mở ra lĩnh vực khác, đóng cửa này mở ra cửa kia. Nhất là với các chuyên viên công nghệ cao xuất thân từ những cái “nôi” khổng lồ, khó mà thất nghiệp thực sự. Đang thời bùng nổ công nghệ, rời thung lũng lớn họ sẽ có vô số thung lũng nhỏ chào đón. Liệu Việt Nam có đủ sức hút để là nơi trở về/tìm đến của những chuyên gia lành nghề cả gốc Việt lẫn nước ngoài từ những tập đoàn hàng đầu thế giới, một cơ hội giúp ta thoát dần thân phận “vùng trũng”?

Bước vào thời đại người máy, mỗi con người sẽ phải loay hoay đi tìm phân khúc của mình. Thế hệ hậu sinh như Gen Z vừa bước chân vào đời giờ đây đã phải tìm cách định hình cho mình một tâm thế sống chung với bị sa thải hoặc “nhảy việc”. Một thời đại quá nhanh quá mạnh, nhưng cũng quá nhiều mong manh, bất ổn.

Hai ngày nữa là tròn 20 năm ngày qua đời của chú cừu Dolly, động vật có vú đầu tiên được nhân bản vô tính. Ngày 14/2/2003, ở tuổi lên 7 nó đã được đón nhận cái chết êm ái nhờ một mũi tiêm nhân đạo để tránh đau đớn vì bệnh tật giai đoạn cuối. Tạm dừng lại cơn ác mộng của thế giới về công nghệ “sản xuất con người” từ những thứ vật liệu thô…

Trong bộ phim đình đám Everything Everywhere All at Once đang phá kỷ lục với 11 đề cử giải Oscar 2023, nhân vật Waymond trong vũ trụ mà ông mang phiên bản một doanh nhân thành đạt, đã thông thái cho rằng: “Khi anh chọn cách nhìn vào mặt tốt của mọi việc, anh không phải là một người ngây thơ. Đó là một điều cần thiết và khôn ngoan. Đó là cách anh sinh tồn”.

Thì hãy nhìn vào những mặt được cho là tích cực giữa dòng đời vạn biến này, để có thể sinh tồn.