Cây gỗ đường kính hơn 1m bị chặt hạ
Năm 2005, UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Cty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk (trụ sở tại thành phố Buôn Ma Thuột) hơn 1.333 ha đất rừng tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn với mục đích quản lý bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường thiên nhiên và phục vụ du lịch sinh thái - văn hóa.
Sau 8 năm tiếp nhận đất rừng, năm 2013, Cty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk bàn giao diện tích rừng trên cho Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Bản Đôn tiếp tục kinh doanh du lịch. Hiện nay, Cty Cổ phần Thương mại và Du lịch Bản Đôn ngừng hoạt động để tái cơ cấu quản lý nhân sự.
Trong khi các cơ quan chức năng làm thủ tục chuyển giao diện tích đất và rừng nói trên, khu rừng sinh thái bị xâm hại nghiêm trọng, nhiều cây gỗ quý đã bị lâm tặc đốn hạ.
“Lực lượng kiểm lâm đang phối hợp với các ban ngành huyện cắt cử người tuần tra canh giữ, bảo vệ rừng sinh thái. Tham mưu UBND huyện kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá năng lực của chủ rừng. Nếu chủ rừng không quản lý, bảo vệ được diện tích rừng đã giao, đề nghị UBND tỉnh thu hồi giao cho đơn vị khác có năng lực quản lý bảo vệ”.
Tại Khu du lịch Văn hóa - Sinh thái Bản Đôn những ngày cuối tháng 10, từ cổng chính vào trung tâm khu du lịch không một bóng người, cỏ mọc quanh các khu nhà.
Một nhân viên bảo vệ tại cổng chính nói: “Khu du lịch đang tạm thời đóng cửa để tu sửa”. Hai bên đường bê tông, đường lát đá xanh dẫn vào rừng sinh thái, nhiều cây gỗ lớn có đường kính khoảng 40cm bị hạ nằm ngổn ngang.
Tiến sâu vào rừng, hàng chục cây gỗ quý như căm xe, giáng hương, lim xẹt đường kính 50 - 60cm, lim đường kính 1,2m bị lâm tặc đốn hạ. Nhiều cây đã bị lấy đi phần lõi, chỉ còn lại ngọn và gốc. Không ít cây mới bị đốn hạ, lá còn xanh, mủ chảy quanh gốc, các lóng gỗ nằm chỏng chơ.
Chị L.T.T.V, một người dân địa phương kể: “Hạ cây xong, lâm tặc dùng cưa máy xẻ cây gỗ thành lóng dài từ 1 - 1,5m rồi vận chuyển ra khỏi rừng bằng xe máy. Những cây gỗ lớn, lâm tặc xẻ bìa thành gỗ hộp vuông vắn rồi mới đưa ra ngoài”.
Ông Y Thông Niê Kđăm, Chủ tịch UBND xã Krông Na, cho biết, 3 năm qua, lâm tặc chặt phá tan nát khu rừng sinh thái Bản Đôn, những cây gỗ lớn đường kính 50 - 60cm hiện không còn. “Chủ rừng phải có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng và báo cáo cơ quan chức năng phối hợp khi phát hiện rừng bị xâm hại, nhưng chủ rừng sinh thái này lại bỏ mặc cho lâm tặc phá rừng”, ông Thông nói.
Ông Bùi Văn Khang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn, UBND huyện Buôn Đôn. cho biết, thời gian qua, lực lượng liên ngành đã xử lý nhiều vụ vi phạm khai thác rừng, phá rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, thu giữ nhiều tang vật và xử phạt một số lâm tặc. Giữa tháng 10, Hạt Kiểm lâm huyện thu giữ 5 xe máy chế phục vụ khai thác lâm sản trái phép.