Rừng phòng hộ ở Phúc Yên 'chảy máu’

TPO - Hàng chục năm nay, nhiều diện tích rừng phòng hộ ở xã Ngọc Thanh (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) bị chặt phá. Trước tình trạng rừng ‘chảy máu’, người dân địa phương đã nhiều lần gửi đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng nhưng vô vọng.

Rừng khoán cho Chủ tịch xã cũng bị chặt phá

 Theo nhiều hộ dân thôn Thanh Lộc, xã Ngọc Thanh, những điểm nóng xảy ra tình trạng phá rừng diễn ra ở các lô 35A và lô 38 rừng phòng hộ Đá Bia. Trớ trêu, “điểm nóng” về việc tàn phá rừng phòng hộ này lại do gia đình ông Lý Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh nhận giao khoán và quản lý.

Những cây cổ thụ bị đốn hạ ở rừng phòng hộ Đá Bia. Ảnh: Người dân cung cấp.

Người dân địa phương cho biết, hàng loạt cây cổ thụ bị đốn hạ, máy móc cày xới tan rừng phòng hộ. Theo tài liệu, năm 1996, ông Lý Văn Lương được UBND huyện Mê Linh (thời điểm Mê Linh vẫn còn thuộc Vĩnh Phúc) ra quyết định giao 55,2 ha đất lâm nghiệp, trong đó có 51 ha rừng tự nhiên trạng thái III a1, rừng trồng 4,2 ha gồm thông keo trồng từ năm 1993 với thời gian giao khoán 50 năm.

Nhưng sau khi nhận giao khoán, ông Lương không trực tiếp trông nom, quản lý bảo vệ rừng theo quy định mà nhiều lần chuyển đổi quyền sử dụng cho một số người dân địa phương. 

Theo người dân phản ánh, từ năm 2012, những người dân các thôn Thanh Lộc, Thọ An và Tân An thuộc xã Ngọc Thanh đã tố cáo ông Dương Văn Trần và Doanh nghiệp tư nhân Duy Thông do ông Trần làm Giám đốc có những hành vi tổ chức chặt phá, đốt rừng phòng hộ. Từ đó đến nay, ông Trần tiếp tục thu gom rừng bằng việc nhận chuyển nhượng.  

Phá rừng để trồng cây dược liệu?

 Dẫn phóng viên lên khu vực rừng phòng hộ Đá Bia, những người dân thôn Thanh Lộc cho biết, hiện ông Dương Văn Trần “quây” hàng trăm ha rừng và đất rừng ở khu vực này khiến người dân không thể nào tiếp cận được. Những hàng rào thép gai, bê tông được dựng lên nhằm ngăn chặn người dân địa phương ra vào và bảo vệ cả những diện tích rừng vốn không thuộc sở hữu của ông Trần.

 
Biệt phủ của ông Dương Văn Trần dưới chân rừng phòng hộ Đá Bia. 

Theo tài liệu PV thu thập được, suốt một quá trình dài, ông Dương Văn Trần có hành vi phá rừng phòng hộ, phá rừng sản xuất khu vực Đá Bia. Tổng diện tích ông Trần phá hoại theo thống kê sơ bộ lên tới hàng chục nghìn m2, nhưng đến thời điểm hiện tại, tất cả những hành vi này mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính.

Trước đó, tháng 10/2015, Hạt Kiểm lâm Phúc Yên cũng đã lập biên bản việc ông Dương Văn Trần với hành vi phá rừng phòng hộ trên diện tích 2.519m2 tại lô 20 khoảnh I, Đại Lộc nhưng chỉ đề xuất mức xử phạt hành chính từ 30 đến 50 triệu đồng. Ngày 14/10/2015 ông Trần bị xử phạt 40 triệu đồng.

Tháng 8/2016, Hạt Kiểm lâm Phúc Yên tiếp tục lập biên bản ông Dương Văn Trần về hành vi san ủi đất rừng, phá rừng sản xuất trái pháp luật diện tích 13.675m2 tại các lô 3,4,5 khoảnh III, Đại Lộc. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, đối chiếu với các quy định pháp luật, Hạt Kiểm lâm Phúc Yên cho rằng hành vi của ông Trần đã vượt quá khung xử phạt vi phạm hành chính, đã có dấu hiệu tội phạm, nhưng không hiểu sao vụ việc không bị xử lý hình sự. 

Tháng 11/2018, em gái ông Trần là bà Dương Thị Thủy đã ngang nhiên xẻ diện tích 1.422m2 làm đường lâm nghiệp, tuy nhiên hành vi này chỉ bị xử phạt hành chính 1,5 triệu đồng...

Theo Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc qua kiểm tra, xác minh ngày 6/4/2020 của Tổ xác minh thì người bị tố cáo là ông Dương Văn Trần có hành vi chặt, phát cây trên diện tích rừng là có cơ sở.

Ngày 24/4/2020, Hạt Kiểm lâm Phúc Yên có báo cáo về kết quả kiểm tra việc chặt phá cây rừng ở khu vực Đá Bia đối với ông Dương Văn Trần, trong đó thống kê diện tích bị chặt phá toàn bộ trên các lô là 2,62 ha. Hành vi chặt, phát cây rừng trên đất rừng phòng hộ là rừng tự nhiên của ông Dương Văn Trần đã vi phạm Luật Lâm nghiệp 2017.

Ông Nguyễn Lâm Tới, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Phúc Yên cho biết, hiện đích thân ông Tới đang thụ lý hồ sơ vụ việc, nếu có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển cơ quan công an xử lý. Trong nhiều biên bản làm việc, ông Dương Văn Trần thừa nhận các hành vi của mình với lý do thiếu nhận thức. 

Về vụ việc trên, ngày 29/6/2020, PV báo Tiền Phong đã làm việc với ông Lý Văn Lương - Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh. Tuy nhiên, ông Lương đã từ chối phát ngôn, sau đó giao cho ông Lưu Tiến Chung - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh cung cấp tài liệu. Tuy nhiên, khi làm việc với phóng viên ông Chung cũng từ chối với lý do phải có ý kiến của Chủ tịch. Ông Chung thừa nhận diện tích rừng mà ông Lý Văn Lương được giao khoán hiện đang trong trạng thái "vô chủ".

Nói về việc diện tích rừng được giao khoán cho Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh bị chặt phá, ông Nguyễn Lâm Tới, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Phúc Yên cho rằng: Ông Lý Văn Lương phải có trách nhiệm khi rừng phòng hộ ở các lô 35A và 38 bị chặt phá. Dù ông Lương từng có đơn trả rừng nhưng UBND thành phố Phúc Yên chưa có quyết định tiếp nhận. Việc trả rừng phải có kiểm đếm hiện trạng để xem việc bảo vệ thời gian qua như thế nào. Vì vậy, ông Lương vẫn là chủ rừng các lô 35A và 38, việc rừng bị phá, ông Lương phải có trách nhiệm.