Rùng mình đường dây nuôi người như súc vật để lấy nội tạng

TPO - Sau khoảng 20 ngày được “nuôi” trong một phòng khách sạn nhỏ ở chợ ô tô second-hand ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây, anh Wang Hu nằm trong phòng phẫu thuật cùng 5 nhân viên y tế xung quanh. Họ chuẩn bị lấy thận của anh.
Một người đàn ông họ Wang tại tòa án Tây An, tỉnh Thiểm Tây vào tháng 3/2014 vì tội buôn bán nội tạng người bất hợp pháp

Ba năm đã trôi qua nhưng anh Wang Hu, 24 tuổi, quê ở An Huy vẫn không thôi ám ảnh bởi 20 ngày sống như súc vật đó. Tại phòng khách sạn, anh chỉ có mỗi việc ăn. Anh bị một người đàn ông canh giữ để đảm bảo mình không trốn thoát. Anh nhớ lại: “Cuộc sống không khác gì súc vật trong trang trại”.

Anh Wang là “người cung cấp thận” giống như nhiều người khác bị những kẻ buôn nội tạng tuyển dụng bất hợp pháp. Tháng 7/2014 vừa qua, 12 thành viên của nhóm buôn nội tạng đã bị kết án tù lên tới 9 năm rưỡi vì kinh doanh nội tạng người bất hợp pháp ở Giang Tây.

Chen Feng, người đứng đầu nhóm này bắt đầu hoạt động kinh doanh vào tháng 5/2011 cùng bạn là Jiang Zhenglin. Chen và những người khác chịu trách nhiệm tìm kiếm khách hàng và những người muốn bán nội tạng trong khi Jiang, một bác sỹ, chịu trách nhiệm thực hiện phẫu thuật.

Trong số 40 “người cung cấp nội tạng” được tuyển dụng, 23 người đã bị cắt đi 1 quả thận để phục vụ cho việc cấy ghép. Nhóm thu lời 1,5 triệu nhân dân tệ từ tháng 10/2011 đến tháng 2/2012.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, sự bất cân bằng giữa những ca hiến tạng với nhu cầu cần nội tạng ghép là lý do chính khiến các nhà chức trách gặp khó khăn trong việc loại bỏ hoạt động buôn bán nội tạng.

Nuôi người như súc vật

Mỗi năm, ở Trung Quốc có 300.000 bệnh nhân cần nội tạng nhưng vì nguồn tạng hiến khan hiếm nên chỉ có khoảng 10.000 ca cấy ghép được thực hiện, theo Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Y tế Quốc gia nước này.

Giống như Wang, hầu hết những người cung cấp nội tạng đều trong độ tuổi từ 20 đến 30 và họ được tuyển dụng qua mạng xã hội. Nhóm buôn bán nội tạng đăng tải các quảng cáo trực tuyến hoặc chủ động tiếp cận những người mong muốn có nhiều tiền trong thời gian ngắn qua mạng.

Những người cung cấp thận có thể nhận được khoảng 22.000 nhân dân tệ (tương đương 3.570 USD) đến 25.000 nhân dân tệ (4.060 USD) cho mỗi quả thận.

Anh Wang, khi đó mới 21 tuổi quyết định bán thận vì không tìm được việc làm. Khi đến Nam Xương, Wang được nuôi trong một phòng khách sạn như nuôi súc vật, có người canh giữ nghiêm ngặt và sau đó được đưa đến bệnh viện để kiểm tra.

Sau 2 cuộc kiểm tra, Wang được đưa đến phòng phẫu thuật để lấy thận. Trong một số trường hợp, nhóm buôn nội tạng này còn bán lại “con mồi” cho các nhóm khác.

Wang bị bịt mặt trước khi được đưa đến phòng phẫu thuật. Nhóm thuê phòng phẫu thuật của một bệnh viện tư với giá 35.000 nhân dân tệ cho mỗi ca.

Mỗi ca lấy thận, bác sỹ phẫu thuật sẽ nhận được 10.000 nhân dân tệ, những nhân viên y tế khác được 1.000 đến 4.000 nhân dân tệ.

Mo Yongqing, một trong những thành viên của nhóm đã vận chuyển thận của Wang trong một thùng cấp đông giả danh hàng hải sản tới chỗ của Chen Feng, một doanh nhân ở tỉnh Quảng Đông chịu trách nhiệm tìm kiếm khách hàng.

Hầu hết các thành viên trong nhóm buôn nội tạng, gồm cả Mo, đã bán thận của mình. Tất cả họ đều bị suy giảm sức khỏe sau phẫu thuật. Mo nói rằng, ông luôn cảm thấy tội lỗi khi giao nội tạng đến khách hàng vì chính Mo đã trải qua những kí ức kinh hoàng khi bán thận của mình.

Bác sỹ tiếp tay

Chen thú nhận với cảnh sát rằng, một bác sỹ thuộc khoa cấy ghép nội tạng tại một bệnh viện quân sự địa phương ở Quảng Châu đã yêu cầu anh tìm người bán thận cho các bệnh nhân của mình.

Một bác sỹ giấu tên ở một bệnh viện của Bắc Kinh cũng cho rằng, việc thiếu người hiến tạng khiến các bác sỹ đành phải sử dụng đến các nguồn tạng bất hợp pháp.

Nhiều bệnh viện, khi thấy các bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch và đứng trước những lợi nhuận khổng lồ đã chấp nhận tham gia vào đường dây buôn bán này. Vị bác sỹ cho biết, mỗi một ca cấy ghép tạng thường có giá là 500.000 nhân dân tệ.

Theo Theo Sina