Kiểm tra hàng loạt cây rừng cổ thụ về phố
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Hữu Huân, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian qua, đơn vị đã đề xuất một số biện pháp để ngăn chặn việc mất rừng. Tuy nhiên, ông này thừa nhận còn xảy ra một số vụ việc hủy hoại rừng mà báo chí đã phản ánh, chứng tỏ công tác QLBVR chưa tốt. Theo đó, để hoàn thành nhiệm vụ này, cần sự vào cuộc quyết liệt của các ban ngành, người dân.
Chi cục Kiểm lâm mong cơ quan báo chí, trong đó có báo Tiền Phong phản ánh nhiều hơn nữa các vụ hủy hoại rừng, từ đó giúp các cơ quan chức năng có hướng xử lý tiếp theo. Ông Huân cho biết đã xử lý và điều chuyển nhiều cán bộ kiểm lâm liên quan phá rừng. “Tới đây, sau thông tin Tiền Phong nêu, chúng tôi chờ kết quả từ phía công an sẽ xử lý tiếp”, ông Huân nói.
Về các nội dung trong loạt bài viết của báo Tiền Phong, ông Huân cho biết đã chỉ đạo đi kiểm tra nguồn gốc những cây cảnh là gỗ “khủng” bày bán công khai mà báo Tiền Phong nêu. Còn để kiểm tra các nhà gỗ, sản phẩm từ gỗ phải có tin báo tố giác, hoặc phát hiện trường hợp có dấu hiệu vi phạm thì mới kiểm tra được. Khi PV hỏi lâu nay cơ quan chức năng đã bao giờ kiểm tra nhà gỗ trên địa bàn chưa, vị này nói: “Từ khi đảm nhiệm chức vụ mới, tôi chưa kiểm tra những căn nhà gỗ trên địa bàn”.
Doanh nghiệp phá rừng tặng nhà gỗ
Ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai, phụ trách lĩnh vực lâm nghiệp cho biết, địa phương có diện tích rừng và đất rừng lớn thứ 2 toàn quốc, do đó công tác QLBVR rất khó khăn. Tuy nhiên, Sở NN&PTNT là đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh về công tác QLBVR.
Ông này cũng là người chịu trách nhiệm thanh tra và có kết quả Binh đoàn 15 phá gần 700 ha rừng tự nhiên. Khi PV hỏi về việc căn nhà gỗ trong trụ sở Tỉnh ủy do Binh đoàn 15 tặng, nhưng doanh nghiệp này lại đi phá rừng, ông An nói: “Việc nào ra việc đó”. Theo ông, đây là binh đoàn làm kinh tế của Bộ Quốc phòng. Khi làm ăn khá giả, họ tặng quà Tỉnh ủy chẳng có gì sai.
“Việc phá rừng do Cty Bình Dương (thuộc Binh đoàn 15) lấn chiếm rừng ngoài ranh giới để trồng rừng cao su. Vụ việc đã chuyển hồ sơ cho quân sự, khởi tố, bắt tạm giam người đứng đầu doanh nghiệp”.
Vị phó giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai điểm danh những điểm nóng phá rừng diễn ra rất phức tạp ở các huyện Cư Pang, Mang Yang, Cư Păh, Công Chro… Ông này nói, sau những chỉ đạo quyết liệt, nạn phá rừng đã giảm đi rất nhiều. Bên cạnh đó, tỉnh đã xử lý nghiêm cán bộ kiểm lâm từ kiểm điểm đến cách chức, buộc thôi việc.
Nói về những căn nhà gỗ mà Tiền Phong đã phản ánh, ông An lý giải, người dân ở Tây Nguyên trong nhà ai cũng ít nhất có một bộ bàn gỗ, có thể có nguồn gốc hoặc trôi nổi. Trước đây, khi còn mở cửa rừng, mua bộ bàn ghế là điều đương nhiên. “Vào nhà cán bộ, không lẽ không sắm được bộ bàn ghế, trong khi có nguồn gốc từ việc được khai thác (từ khi chưa cấm đóng cửa rừng), nhập khẩu. Cần phải xem được tích góp từ đâu”, ông An lý giải.