Những chú chuột “nét tươi trong”
Họa sỹ Lê Trí Dũng, người nổi tiếng với tranh ngựa thú nhận: “Theo thói quen năm nào tôi cũng vẽ con giáp nhưng ít vẽ chuột vì tạo hình xấu, khó vẽ”. Nhưng ngắm tranh chuột của Lê Trí Dũng, người ta lại thấy chuột gần gũi lạ lùng. Biện pháp nhân cách hóa và tiếp thu giá trị của tranh dân gian Đông Hồ đã giúp Lê Trí Dũng tạo nên hai bức chuột Canh Tý tươi vui, ấm áp, rạo rực sức xuân: “Mẹ bồng con” và “Đám cưới chuột”.
Em trai của Phạm An Hải, họa sỹ Phạm Hà Hải là một trong những họa sỹ đam mê vẽ con giáp. Bởi anh là họa sỹ thường xuyên tư duy và thực hành theo mạch ngầm văn hóa phương Đông. Anh chính là họa sỹ từng được Tổng công ty Bưu Điện Việt Nam “chọn mặt gửi vàng” vẽ tem 12 con giáp. Anh phát hiện ra sự hấp dẫn đặc trưng của chuột chính là sự tinh nhanh. Cho nên, trên tem của Phạm Hà Hải là hình ảnh chú chuột thập thò. Vốn thiên về màu nhẹ, sáng nhưng khi vẽ tranh xuân hay tranh con giáp họa sỹ chọn màu sắc tươi sáng, ấm nóng thể hiện để mang đến xúc cảm hy vọng của mùa xuân. Tranh chuột của Phạm Hà Hải thể hiện dấu ấn cá nhân đậm nét, anh giản lược về nét. Họa sỹ mong muốn mang đến cho người xem một tác phẩm nhiều tầng văn hóa, giàu tính lịch sử, tính mỹ thuật, tính bản địa và cá tính của người Việt. Anh lấy cảm hứng từ tranh in ván gỗ. Giã từ đời sống công chức vài năm nay, Phạm Hà Hải bây giờ là họa sỹ tự do nên có nhiều thời gian dành cho sáng tác. Tết Canh Tý, anh sáng tạo thêm nhiều bức tranh về chuột, lần này không phải chuột thập thò, mà là chuột hạnh phúc, có lứa có đôi ríu rít.
Những “Tí ti”, “Vua chuột”…
Khác với họa sỹ đàn anh Lê Trí Dũng, Phạm An Hải… Nguyễn Đoan Ninh là một trong những họa sỹ hiếm hoi ở Việt Nam không “tô hồng” chuột: “Tôi vẽ chuột chẳng phải để chào mừng năm mới gì cả. Chẳng qua năm mới là lí do tôi “mượn” để vẽ thôi. Vì chuột là loài vật mọi người không yêu quí nên tôi muốn vẽ mặt nó, muốn mượn nó để nói các vấn đề xã hội”. Bức tranh gây ấn tượng đặc biệt của Đoan Ninh tả cảnh con chuột mặc bikini nhảy trên chiếc chảo đun nóng: “Tôi muốn nói vấn đề của những người say sưa với chiến thắng trước mắt, không biết nguy hiểm sẵn sàng đổ xuống bất kỳ lúc nào”. Sinh năm 1975, tuổi Mão, cả tuổi thơ của Đoan Ninh vẽ mèo, song đây là năm đầu tiên họa sỹ vẽ chuột. Không dừng ở một, hai bức, Đoan Ninh trình làng liên tiếp, cứ sinh nở xong lại mang “con” khoe ngay trên “fây”.
Xem chuột của Nguyễn Đoan Ninh chớ bình luận xấu/đẹp vì sẽ bị hụt hẫng, thất vọng: “Đẹp theo kiểu mĩ học, tôi không quan tâm. Những con chuột tưng bừng long lanh, tôi không hướng tới” - anh tuyên bố. Mặc dù không vẽ chuột chiều theo xu hướng đám đông nhưng cũng lắm “thượng đế” mong muốn sở hữu chuột của Đoan Ninh và anh cũng sẵn sàng chiều họ: “Khi vẽ để bán thì mình nhẹ nhàng hơn”. Đáng quí trong tranh chuột của họa sĩ sinh năm 1975 là sự thuần Việt, không lai căng. Anh là con trai trưởng của nhà điêu khắc Nguyễn Trọng Đoan, một nghệ sỹ làm gốm hàng đầu nên ít nhiều Nguyễn Đoan Ninh thừa hưởng tình yêu văn hóa dân tộc từ cha. Từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, Nguyễn Đoan Ninh đã say mê vẽ tranh trên giấy dó. Đến nay, niềm say mê chưa hề lụi tắt. Theo trào lưu Pop art, song Đoan Ninh tự hào vì tranh chuột của anh vẫn có “màu riêng”: “Pop art đồng quê Việt, chất liệu và đề tài thuần Việt, mà không cần nón lá áo dài hay yếm đào khăn lĩnh…”. Tên bức tranh được đặt rặt quê: “Tí ti”.
Chuột Canh Tý không chỉ khiến họa sỹ rộn ràng còn kích thích cả những người làm điêu khắc. Lê Đình Nguyên, biệt danh Nguyên Trâu, năm nay cũng say mê sáng tạo chuột. Chuột của Nguyên Trâu không phải “giống” bình thường: “Chuột của tôi là chuột vua, chuột đội vương miện”. Gã tự hào mình chẳng làm chuột giống bất cứ “tên” nào trong làng hội họa lẫn điêu khắc Tây, Ta: “Tôi làm chuột theo kiểu của tôi, không phải kiểu chuột Mickey từ lò Walt Disney của Mỹ, cũng không mang dấu ấn Đông Hồ của Việt Nam”. Chuột của Nguyên Trâu cao tầm 60-70 phân.