Rối rắm mức tối thiểu trong tài khoản trả phí tự động khi đi cao tốc

TPO - Trong khi 4 tuyến cao tốc của VEC quản lý yêu cầu chủ phương tiện phải có số dư tài khoản giao thông bằng mức phí đi cả tuyến, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng lại quy định số dư tối thiểu bằng phí trả cho đoạn ngắn nhất.

Hiện tất cả các tuyến đường bộ cao tốc trên cả nước đã thu phí tự động toàn bộ, nhưng mỗi tuyến có các quy định mức phí tối thiểu phải có trong tài khoản của chủ xe để được vào cao tốc lại khác nhau.

Cụ thể, tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng yêu cầu số dư tối thiểu trong tài khoản giao thông là 40.000 đồng/lượt (xe dưới 12 chỗ ngồi, các phương tiện khác cao hơn), mức này tương ứng mức phí của phương tiện đi đoạn ngắn nhất, như Hà Nội – Hưng Yên.

Trong khi đó, các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VE) lại quy định mức dư tối thiểu bằng mức phí phương tiện phải trả nếu đi cả tuyến, kể cả phương tiện chỉ đi một đoạn (không hết tuyến).

Tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình mức phí tối thiểu là 69.000 đồng/lượt (xe dưới 12 chỗ ngồi), thêm 35.000 đồng/lượt cho đoạn Pháp Vân – Cầu Giẽ, nên xe vào tuyến cao tốc này tài khoản phải có tối thiểu 103.000 đồng/lượt, bất kể có đi hết tuyến cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình hay không (các phương tiện trọng tải khác sẽ cao hơn).

Cao tốc Nội Bài – Lào Cai yêu cầu tài khoản phải có số dư tối thiểu 295.000 đồng/lượt (xe dưới 12 chỗ ngồi); cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi tài khoản tối thiểu 196.000 đồng/lượt; cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây tối thiểu 98.000 đồng/lượt.

Với xe tải từ 18 tấn trở lên, xe container 40 feet, nếu đi vào tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai số dư tài khoản trả phí tự động lên tới gần 1,2 triệu đồng. Đây cũng là tuyến có yêu cầu số dư tài khoản lớn nhất (tuyến dài nhất).

Hiện các tuyến cao tốc đang có quy định về số dư tối thiểu trong tài khoản khác nhau do chưa có quy định, trong khi rủi ro với phương tiện không đủ tiền trả phí ở đầu ra dẫn tới ùn tắc, bức xúc cho các phương tiện khác.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đỗ Văn Thuần, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho biết, yêu cầu số dư tài khoản bao nhiêu mới được đi vào cao tốc vẫn chưa có quy định thống nhất. Do đó các đơn vị quản lý đường đưa ra mức nào cũng rất khó, đều bị ý kiến phản đối hoặc gây khó cho hoạt động thu phí ở các trạm xe ra.

“Để tạo đồng thuận, chúng tôi chọn mức dư tối thiểu thấp nhất, nhưng sẽ vất vả ở kiểm soát và trả phí của phương tiện ở đầu ra. Có không ít xe để số dư tài khoản bằng mức phí đoạn ngắn nhất vẫn được vào cao tốc, nhưng lại đi tới cuối tuyến, nên tài khoản không đủ tiền, rất vất vả cho nhân viên thu phí đầu ra, thậm chí gây ùn tắc, bức xúc cho các xe khác đi phía sau”, ông Thuần nói.

Theo ông Thuần, trường hợp tài khoản chủ xe có số dư đủ mức tối thiểu, nhưng thực tế đi dài hơn nên tài khoản không đủ tiền, đơn vị sẽ phải yêu cầu lùi xe để vào làn sự cố chờ nộp tiền mới cho đi qua. Tuy nhiên, nếu lượng xe phía sau đông, đơn vị vận hành cao tốc sẽ phải linh động thu tiền mặt bù phần thiếu. Thực tế đã có nhiều trường hợp như vậy và xảy ra ùn ứ một số thời điểm, trong khi số lượng nhân viên duy trì tại trạm thu phí cũng phải nhiều hơn để xử lý sự cố.

Ông Thuần cho rằng, quy định hạn mức tối thiểu bằng mức phí trả cho cả tuyến (dù có thể chỉ đi 1 đoạn) như cách làm của VEC sẽ thuận lợi cho thu phí đầu ra, giảm ùn tắc và bức xúc cho các phương tiện khác. Tuy nhiên, lại tạo dư luận không tốt. Vì vậy, dù đơn vị quản lý đường cao tốc chọn cách làm nào đều rất khó khi quy định chưa có.

Lãnh đạo đơn vị quản lý cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cho rằng, tốt nhất là chủ xe trước khi vào cao tốc cần nộp đủ tiền theo đoạn mình định đi, cùng đó là các quy định của nhà nước để đảm bảo thực thi. Đơn vị này đã kiến nghị Bộ GTVT sớm ban hành quy định cho vấn đề trên, để hạn chế việc không đủ tiền trong tài khoản phải thu tiền mặt tại đầu ra; sớm có quy định về thanh toán trả sau với trả phí tự động để hạn chế các sự cố ở đầu ra, giảm tranh cãi liên quan tới số dư tối thiểu trong tài khoản…

Số dư tối thiểu trong tài khoản giao thông của phương tiện trước khi đi vào các tuyến cao tốc do VEC quản lý. Nếu không đạt số dư này, phương tiện sẽ phải dừng lại nộp đủ tiền vào tài khoản mới được vào cao tốc.

Ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng giám đốc VEC lý giải, việc quy định số dư tối thiểu trong tài khoản giao thông nhằm tối ưu xử lý xe ở đầu ra, tránh thiếu tiền dẫn tới ùn tắc. Theo ông Nhi, khi xe vào cao tốc không cần kê khai điểm ra, đoạn tuyến sẽ sử dụng, cũng không xác định được khi xe vào, nên phải kiểm soát để giảm sự cố đầu ra. Còn việc xử phạt theo quy định không phải giải pháp tối ưu.

“Chúng tôi cũng rất trăn trở, băn khoăn khi đưa ra hạn mức tài khoản tối thiểu. Việc quy định cho trường hợp đi toàn tuyến sẽ đảm bảo tất cả các xe đều thuận lợi khi trả phí đầu ra, không gặp sự cố do thiếu tiền. Hạn mức hiện chỉ tạm thời, sẽ có sự thay đổi phù hợp tốt nhất cho người tham gia giao thông”, ông Nhi cam kết.

Đơn vị quản lý cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cho biết, trong tháng đầu áp dụng thu phí tự động hoàn toàn (tháng 6/2022), toàn tuyến đã phục vụ khoảng 46 nghìn lượt phương tiện mỗi ngày, số phí thu hơn 6 tỷ đồng/ngày. Trong tháng, vẫn còn nhiều xe gặp lỗi khi qua trạm thu phí, mỗi ngày có khoảng 1,5 nghìn xe chưa dán thẻ hoặc chưa nạp tiền để kích hoạt thẻ, số dư tài khoản không đủ. Trong đó, riêng số xe không đủ số dư trong tài khoản có gần 25 nghìn lượt phương tiện trong cả tháng, phải thực hiện trả phí bằng tiền mặt ở đầu ra, điều này gây ra ùn tắc một số thời điểm, cản trở giao thông và gây hiểu lầm, bức xúc cho các khách hàng trả phí tự động khác.