‘Robinson’ miền Tây làm giàu từ đầm hoang

Tiên phong khai khẩn, làm kinh tế giỏi nhất khu đầm Thị Tường (Cà Mau), ông Hai Hùng được cư dân tại đây ưu ái gọi bằng cái tên “Robinson” giữa đầm hoang.
Ngôi nhà 8 gian của Hai Hùng nằm giữa đầm Thị Tường.

Muốn đến thăm Hai Hùng (Nguyễn Văn Hùng) phải đi thuyền, vì ngôi nhà sàn rộng đến 8 gian của ông nằm giữa đầm Thị Tường, cách đường đất vài trăm mét.

“Đầm dài 10 km, chỗ rộng nhất cũng phải hơn 3km, với diện tích mặt nước khoảng 700 ha. Thị Tường có 3 khu chính là đầm trong, đầm giữa và đầm ngoài. Chỗ này nằm tiếp giáp 3 huyện của tỉnh Cà Mau là Cái Nước, Phú Tân và Trần Văn Thời. Đây là điểm du lịch lý thú cho những ai yêu sông nước miền Tây”, ông chủ nhà giới thiệu.

Hai Hùng kể rằng, ông là người có duyên với đầm Thị Tường từ mấy chục năm trước. Trong một lần theo bạn chài ra đầm bắt cá, chứng kiến cảnh gió mát trăng thanh, cá tôm muốn ăn chỉ cần đưa tay bắt là có, ông quyết định trở về đưa vợ con ra cất nhà để ở cho đến nay.

Vợ Hai Hùng, bà Dương Thị Lụa kể vui: “Hồi ổng tuyên bố với bà con trong đất sẽ di cư ra ngoài đầm, ai cũng cười vì tưởng ông ấy nói đùa. Nhưng vài ngày sau, anh em, cô bác giật mình vì ổng dỡ nhà đi thật”.

Bà Lụa cũng thừa nhận rằng bản thân ngày đó không muốn ra ngoài đây, vì đã quen với cuộc sống ở đất liền, muốn đi đâu thì đi. Còn ở đây suốt ngày chỉ quanh quẩn trong căn chòi nhỏ. Nhưng vì thương chồng, bà chấp nhận rồi ở mãi cũng thành quen. Thậm chí, bây giờ lâu lâu vào bờ thăm người thân vài ngày là lại nhớ tiếng gió, tiếng sóng ngoài đầm.

Còn cư dân đầm Thị Tường kể rằng, Hai Hùng là người tiên phong trong việc khai thác nguồn sống ngoài đầm, nhưng hiện tại đã có đến vài chục gia đình theo chân ông ra mưu sinh. Riêng ông Hùng có đến vài chục căn chòi lớn nhỏ cất giữa đầm nước mênh mông này.

Thời gian đầu, Hai Hùng cũng chỉ mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản. Nhưng dần dà vì người dân khai thác vô tội vạ, ông quyết định chuyển qua làm du lịch bằng cách chở khách có nhu cầu ngắm cảnh sông nước vào ban đêm.

Hai Hùng phục vụ khách bằng những gì dân dã nhất của vùng sông nước.

Từ ngày Hai Hùng bắt đầu làm du lịch, vợ con ông cũng trở thành hướng dẫn viên, đầu bếp bất đắc dĩ. “Đi đâu thì tốn kém, chứ đến với các tour du lịch của tôi không tốn mấy. Cơm nước, cá mắm hay các loại hải sản muốn ăn gì chỉ cần nói trước để tôi kêu vợ chuẩn bị. Sau khi tham quan ngoài đầm, mò cua, bắt tôm về tới nhà là có ăn liền”, ông nói vui.

Hơn 20 năm sống trên đầm, các con của Hai Hùng giờ đây như những ngư phủ thực thụ. Họ lớn lên và được cha mẹ dựng vợ gả chồng ngay trong căn nhà giữa đầm, rồi cũng theo cái nghiệp làm du lịch.

Để đón khách, Hai Hùng không ngừng cơi nới nhà cửa. Ban đầu chỉ có căn nhà nhỏ vừa đủ vợ con ông ở, nhưng bây giờ nó được dựng nên thành nhà 8 gian, rộng cả trăm mét vuông, đủ sức cho mấy chục người ăn ở, ngủ nghỉ qua đêm.

Chỉ tay về đống cây vừa được đốn ra từ đất liền, Hai Hùng cho biết: “Mới rồi kêu tụi nhỏ đốn thêm cây, lá để cất thêm căn nhà nữa cho khách. Tôi cũng vừa sắm thêm một chiếc vỏ máy (xuồng máy)  để phòng khi khách đông”.

Để có điện, Hai Hùng mạnh dạn đầu tư kéo từ đất liền ra. Ông còn khoan giếng nước sâu hơn 120m để lấy nước ngọt sử dụng, rồi trồng rau, nuôi heo, gà vịt… tạo cảnh quan sống động.

“Mỗi khách, tôi chỉ lấy khoảng 200.000 đồng cho một tour du lịch bao gồm: đi dạo trên đầm bằng thuyền (bất kể ngày hay đêm), ăn uống, ngủ nghỉ ngay tại nhà. Khách đến đây vì mê cảnh đẹp xứ mình, còn mình cũng lấy cái lòng hào sảng của người miền Tây ra mà tiếp đãi họ. Giá rẻ, cảnh đẹp nên hàng năm cũng có đến hàng nghìn khách. Số tiền kiếm được cũng kha khá”, Hai Hùng cười nói sởi lởi.

Theo Phúc Hưng

Theo VnExpress