Rô bốt nhặt rác của học sinh trường làng

TP - Rô bốt nhặt rác là sản phẩm của 3 học sinh vừa giành giải tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng TP Hà Nội.

> Sản phẩm sáng tạo của TTN
> Đôi bạn nghèo rinh giải đặc biệt

Ý tưởng chế tạo rô bốt nhặt rác bắt đầu từ những lần xem chương trình Robocon. Nguyễn Ngọc Sơn (lớp 11A1) chia sẻ ý tưởng với Hoàng Thanh Liêm, Lê Minh Quyến (lớp 11A4) đều thuộc trường THPT Thạch Thất (Hà Nội) và cùng hoàn thành ý tưởng.

Để biến ý tưởng thành hiện thực khó khăn nhất với cả nhóm là tìm kiếm linh kiện, thiết bị lắp ráp. Từ đồ chơi cũ bỏ đi của trẻ em, nhóm tháo lấy bộ điều khiển, bánh xe, vi mạch điện tử và các bộ phận chuyên dùng khác để tạo nên rô bốt nhặt rác. Trong quá trình chế tạo và lắp ráp, cả nhóm phân công nhau làm từng chi tiết. Rô bốt nhặt rác của nhóm gồm 3 bộ phận chính là điều khiển, di chuyển và quét rác.

Ngay từ lần thử nghiệm đầu, rô bốt có thể hoạt động bình thường, nhưng do bánh xích bằng nhựa nên quá trình vận hành dễ gãy. Khắc phục nhược điểm đó, nhóm quyết định thay thế bánh xích bằng nhôm. Từ đó, rô bốt có thể hoạt động mà không gặp trở ngại.

Rô bốt có thể di chuyển như một chiếc xe tăng (quay 360 độ) điều khiển bằng 2 bánh sau, được điều khiển bằng sóng radio với cường độ tín hiệu mạnh và cho độ phủ sóng cao. Để có được bộ sóng radio này, nhóm đã lấy nó từ một ô tô đồ chơi điều khiển từ xa, thay đổi một số điện trở để phù hợp với bộ nguồn.

Tuy nhiên, dòng điện mà nhóm sử dụng cho rô bốt rất mạnh nên dễ làm ảnh hưởng đến tín hiệu sóng trong quá trình rô bốt hoạt động. Vì vậy, nhóm phải tách bộ vi mạch điện tử và phần nguồn điện ra xa nhau, rồi gắn thêm bộ ăng ten chạy xung quanh thân rô bốt cho tín hiệu sóng được tốt hơn.

Nhóm đang có kế hoạch nâng cấp thành rô bốt đa năng, vừa quét rác ở trên cạn, vừa có thể thu dọn rác trên mặt nước. Các bạn cũng đang ngiên cứu và phát triển các dự án “bộ radar hồng ngoại”, “bộ lazer cảm biến quang học” và “bộ thẩm thấu ngược”. “Áp dụng được nguyên lý hoạt động này, rô bốt khi quét rác trên đường phố sẽ chủ động xác định vị trí của phương tiện giao thông và người đi đường để tránh gây ra va chạm.

Tuy nhiên, để sản phẩm được áp dụng vào thực tiễn cần có vốn và kỹ thuật. “Ý tưởng của các em rất tốt, nhất là trong tình hình môi trường hiện nay”, Thạc sỹ Nguyễn Thị Thiện, Phó Hiệu trưởng trường THPT Thạch Thất, cho biết.

Theo Báo giấy