Rạch ròi dẫn đường & đi theo

TP - Đề Văn, mà hơn hết là cách ra đề mở tại kỳ tuyển sinh đại học-cao đẳng năm nay đang gây ra nhiều luồng dư luận trong xã hội. Như tôi biết thì nhiều người đồng tình cách ra đề của Bộ GD&ĐT. Tiền Phong mở diễn đàn cho bạn đọc “trút bầu”, tôi cũng xin góp mấy ý.

> 'Người cố nhân'
> Hào hứng với đề Văn về lối sống

1. Bao năm nay, kể cả thời chúng tôi cũng vậy, học hành thụ động. Cách ra đề ngoài giáo án, làm bài ngoài đáp án hầu như ít xảy ra. Học chủ yếu bám ý này, ý nọ; thi đại học “tủ” theo bộ đề.

Những bài làm môn Văn, môn Sử, Địa viết liên hệ với cuộc sống quá ít, may chỉ những người “cá biệt” mới dám ra khỏi đường ray. Đó là thụ động, là đi theo đường vạch sẵn ngay trong học tập. Và, trong cuộc sống cũng vậy thôi.

Chúng ta - ai cũng nhìn ra vấn đề dạy – học bao năm qua, giáo điều, khô cứng. Mấy năm gần đây, những người tâm huyết đã phải “khóc ròng” vì tỷ lệ hồ sơ dự thi đại học các ngành xã hội thấp đến báo động đỏ. Nhiều người muốn thay đổi. Và, kỳ thi này đã có làn gió mới. Thế nhưng, không có gì mới người ta cũng trách Bộ, có cái mới rồi vẫn chê. Đó là sự đấu tranh giằng xé trong nội tại mỗi người, giữa cái cũ- cái mới.

Đề thi Văn khối D (dù có nhiều điều chưa hài lòng những người thủ cựu, khó tính), nhưng phần nào ra khỏi lối ra đề cứ phải trích dẫn ông này, bà nọ; cắm râu, đội mũ cho nghiêm trang, cho ra vẻ kinh viện kiểu “tầm chương trích cú”. Văn chương đã có hơi thở của cuộc sống, có bụi đường, có lấm lem bùn đất… Cuộc sống là vậy, không thể sạch sẽ, vô trùng như ở phòng thí nghiệm.

Chúng ta cần bao dung với cái mới. Nhưng ngay bên trong cái mới luôn có sự mạnh mẽ, trỗi dậy đúng lúc. Và, không ai có thể đi ngược gió mãi, không ai chống được quy luật. Chúng ta thực sự đang đứng trước sự đổi mới, cơ hội đổi mới về tư duy dạy - học - thi cử.

Báo Tiền Phong nhanh chân nắm lấy cơ hội, mở diễn đàn, nâng vấn đề thành lối sống người Việt.

2. Chúng ta thụ động không? Câu hỏi này dành cho những người ngại đổi mới, ngại bày tỏ quan điểm, ngại mạo hiểm, ngại đi một mình và luôn “hằn học” với cái mới, cái lệch chuẩn.

Ông vua công nghệ Steve Job trong bài phát biểu với sinh viên nói đại ý rằng bỏ đại học giữa chừng là “quyết định sáng suốt”, vì ông ta không thể học những thứ không liên quan cuộc sống, học theo sự mong muốn của người khác. Ông ta cũng coi việc bị sa thải khỏi công ty là sự kiện đáng nhớ, vì “cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái cho khởi đầu mới”…

Những việc làm của Steve Job (khi chưa có thành quả), chắc rằng nhiều người Việt coi là “không bình thường”. Cuộc sống có nhiều con đường được vạch sẵn và nhiều con đường chưa khai mở. Đi con đường nào là do mình chọn. Những người thụ động sẽ đi lại con đường cũ, hòa mình vào sự tấp nập, mất hút giữa đám đông…

Người Việt có tiên phong không? Hỏi những người luôn sáng tạo, đổi mới và có tư duy độc lập. Với họ, đi con đường riêng, tạo dấu ấn cho cá nhân, cho cộng đồng, cho nhân loại là thôi thúc nội tại. Trong hành trình khai mở đường riêng ấy, có người đến đích, có người gục ngã trên đường. Những gì họ để lại có thể là một sự khởi đầu, một định hướng, một xu thế mới… Tiếp sức cho họ là những người đi sau cùng quan điểm, cùng chí hướng. Như thế cuộc đời sẽ có thêm đường mới.

Hai câu hỏi, hai cách nghĩ, hai lựa chọn. Chúng ta tự hỏi mình, tự nhìn xung quanh, nhìn rộng ra và tự trả lời là “người đi theo hay người dẫn đường”. Có lẽ, đôi khi không nên quá quan tâm Tran Hung John là ai hoặc ai nói điều đó mà quan tâm họ nói có đúng không.

Tiền Phong mở diễn đàn: ĐI THEO HAY DẪN ĐƯỜNG là cách đặt câu hỏi cho mỗi bạn đọc, thậm chí là một thế hệ.

Thạc sỹ Luật HỒNG LÊ

Theo Báo giấy