Rà soát năng lực giáo viên rồi sẽ làm gì?

TP - Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, gọi tắt là Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

> Rà soát trình độ năng lực của giảng viên ngoại ngữ

Sau chủ trương lớn

Thiếu giáo viên đủ trình độ là nỗi ám ảnh của các địa phương thí điểm dạy ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3. Ảnh minh họa: Trung Kiên.

này, đã từng có những kết quả khảo sát năng lực giảng dạy tiếng Anh của giáo viên ở một số tỉnh, thành phố gây sốc. Mới đây, Bộ GD&ĐT đưa ra hướng dẫn thực hiện kế hoạch triển khai đề án này trong các cơ sở GDĐH.

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, từ tháng 11-2012, Bộ sẽ tổ chức rà soát trình độ năng lực đội ngũ giảng viên ngoại ngữ (trước mắt là giảng viên dạy tiếng Anh) để có kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng giảng viên. Hướng dẫn này đã gây khá nhiều băn khoăn.

 “Hiện nay, theo lộ trình Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đang ở giai đoạn xây dựng, 8 trung tâm đánh giá và ngân hàng câu hỏi thi cũng mới ở giai đoạn đang được xây dựng. Đội ngũ làm ngân hàng đề thi cũng đã và đang đào tạo, chưa xong”. 

Bà Phương Nga
phụ trách mảng khảo thí của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020

Ông Nguyễn Phương Sửu, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phương pháp và đánh giá chất lượng của ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG HN băn khoăn rằng, liệu chủ trương này có đưa ra một cú sốc mới hay không khi mà dư luận không khỏi giật mình trước thông tin đã đưa: có tới 30 % số giáo viên ngoại ngữ phải nhờ phiên dịch khi tham dự tập huấn. Theo ông Phương Sửu, về mặt bằng chung, chất lượng giáo viên ngoại ngữ phổ thông hiện nay cao hơn mặt bằng cách đây 20-30 năm nhưng vẫn còn thấp xa so với yêu cầu.

Ông Phương Sửu cũng nói: Giảng viên đại học thì khá hơn trước, được trang bị kiến thức, có nhiều cơ hội được học tập ở nước ngoài tốt hơn.

Ông Hoàng Tất Trường, nguyên Chủ nhiệm bộ môn khoa tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG HN cho biết: Nhìn chung, ở ĐHQG trình độ giáo viên càng ngày càng vững; tuy nhiên, có một số giáo viên còn yếu.

Ông Hoàng Tất Trường bật mí: trong số các giảng viên ông đã cùng làm việc trong những lần ra đề thi môn tiếng Anh, kể cả ra đề thi học sinh giỏi, có tới 40% giáo viên, giảng viên có năng lực ở mức trung bình được tham gia soạn đề thi.

Ông Trường còn nhận định: Với giảng viên môn tiếng Anh ở các trường không chuyên ngoại ngữ, chỉ có khoảng 30% đạt loại giỏi; 30% đạt khá; còn lại là trung bình và yếu.

Ông Nguyễn Phương Sửu nhận định: Đây là một căn bệnh, yếu kém, cần được chữa. Nếu thuốc có gây sốc hay đắng cũng cần phải chữa. Tuy nhiên, ông Phương Sửu cũng băn khoăn là đánh giá chất lượng giảng viên thế nào, đánh giá bằng công cụ gì? sau khi đánh giá xong, có “đuổi” người không đạt chuẩn không?…

Tình trạng giáo viên quá thấp về mặt chất lượng thì sẽ giải quyết kiểu gì khi mà hướng dẫn này đưa ra là: Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ kinh phí cho các trường đại học để bồi dưỡng ngắn hạn (dưới 3 tháng) và dài hạn (từ 6 tháng đến 1 năm) ở nước ngoài cho đội ngũ giảng viên tiếng Anh cốt cán. Các trường lập danh sách cử giảng viên tiếng Anh cốt cán đi đào tạo bồi dưỡng ở nước ngoài theo lộ trình từ năm 2013-2015, mỗi năm 1 người.

Ông Phương Sửu cho rằng, mỗi năm đào tạo một người quá ít và nếu đào tạo cán bộ là chủ nhiệm bộ môn chẳng hạn, liệu họ có thể gánh vác được toàn bộ công việc đào tạo của một khoa không… Ông Sửu nhấn mạnh, đáng ra phải thực hiện một lộ trình để mọi giảng viên đều có cơ hội nâng cao và cập nhật kiến thức.

Về việc này, bà Phương Nga, phụ trách mảng khảo thí của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 cho biết, nếu theo đề án, việc đánh giá chuẩn ngoại ngữ sẽ theo tiêu chuẩn của khung tham chiếu châu Âu theo quyết định 1.400 của Thủ tướng Chính phủ; quy định cụ thể từ A1 đến C1 gồm 6 bậc. Dư luận đã từng miêu tả công cuộc đánh giá chất lượng giáo viên tiếng Anh phổ thông thí điểm là "các giáo viên “ngã nhào” trước chuẩn châu Âu".

Nói về tính hiệu quả của việc nâng cao trình độ giảng viên, ông Hoàng Tất Trường nhấn mạnh: chất lượng còn phụ thuộc vào chương trình có hợp lý hay không và người học có quyết tâm hay không?

Nhìn chung còn khá nhiều câu hỏi mà dư luận các nhà quản lý và các chuyên gia trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh băn khoăn về công cụ đánh giá, hiệu quả và đặc biệt là “phương thuốc” dành cho việc nâng cao chất lượng giảng viên môn học này.

Khảo sát ở Cần Thơ chỉ có vài người đạt chuẩn trong số 181 giáo viên tiểu học tham dự khảo sát, trong 1.500 giáo viên các cấp của tỉnh An Giang chỉ có 17,8 % người đạt chuẩn…

Theo Báo giấy