Tại phiên họp Hội đồng Bầu cử Quốc gia sáng 13/4, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi kết thúc hội nghị hiệp thương lần thứ 2, có tổng cộng 1.146 người, trong đó có 154 người tự ứng cử, đạt tỷ lệ 2,29 người ứng cử trên 1 đại biểu được bầu. Tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 263.144 người.
Theo ông Phúc, đến nay Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã nhận được dự toán kinh phí của 63 địa phương. Sau khi được Hội đồng Bầu cử Quốc gia nhất trí về phương án phân bổ kinh phí, Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và hiện Bộ này đã trình Thủ tướng về kinh phí bầu cử.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, đến nay đã nhận được một số đơn thư khiếu nại, tố cáo với một số người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng bầu cử Quốc gia Tòng Thị Phóng đề nghị các tiểu ban chuyên môn phải có sự phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận ở địa phương kịp thời kiểm tra, rà soát, chuẩn bị hồ sơ người bị khiếu nại tố cáo để còn kịp báo cáo tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba.
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị cần phân loại cụ thể đơn thư khiếu nại, tố cáo, gửi đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Đồng thời yêu cầu thực hiện nghiêm túc nguyên tắc bình đẳng, hài hoà, đúng pháp luật trong công tác bầu cử, ví dụ như không tập trung quá đông các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một vùng, miền nào đó.
Trong tuyên truyền bầu cử cũng vậy, cần đảm bảo sự bình đẳng giữa các ứng cử viên, tránh tình trạng quá tập trung cho những người có chức có quyền, không để tình trạng đưa tin người này 5 phút, nhưng người kia lại không được xuất hiện.