Ra mắt 'Trường học hay Trường đời 3: Nghề nghiệp thời chuyển đổi số'

TPO - Ngày 12/5, tại Hà Nội, tại Đại học Lâm nghiệp (Hà Nội) diễn ra lễ ra mắt đặc san “Trường học hay Trường đời 3” và toạ đàm “Kỹ năng sinh viên thời đại mới” thu hút sự tham dự của đông đảo sinh viên.

Chương trình do Báo Tiền Phong và Trường Đại học Lâm nghiệp phối hợp tổ chức. Dự chương trình có PGS, TS. Phạm Minh Toại, Phó Hiệu trưởng ĐH Lâm nghiệp; nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong; diễn giả TS. Lê Thẩm Dương.

Nhà báo Lê Xuân Sơn phát biểu khai mạc chương trình. Ảnh: Dương Triều

Phát biểu khai mạc, nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho biết: Sau thành công của các đặc san “Trường học hay Trường đời 1” và “Trường học hay Trường đời 2”, ba thương hiệu uy tín Tiền Phong, Sinh Viên Việt Nam, Hoa Học Trò tiếp tục xuất bản đặc san “Trường học hay Trường đời 3” với chủ đề: Nghề nghiệp thời chuyển đổi số.

“Trường học hay Trường đời 3” gồm 4 phần: Trường học hay Trường đời; nghề nghiệp thời chuyển đổi số; tuyển dụng trong xu hướng chuyển đổi số; kinh nghiệp học tập từ các thủ khoa. Nội dung cuốn sách khá phong phú, nhưng chính nhất, cốt lõi nhất là nghề nghiệp và tuyển dụng trong thời chuyển đổi số.

Theo nhà báo Lê Xuân Sơn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là một trong những lực lượng đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số. Là cơ quan trung ương của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Báo Tiền Phong rất nỗ lực truyền thông cho việc rất quan trọng này. Không chỉ vậy, Báo còn tích cực tham gia vào hoạt động thực tiễn thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

Mới đây, giữa tháng 4/2022, Tiền Phong đã phối hợp với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Ngày thẻ Việt Nam, bản chất là ngày hội của chuyển đổi số trong ngành ngân hàng.

"Cuốn sách Trường học hay Trường đời 3 có mục tiêu quan trọng là góp một phần dù nhỏ bé của mình vào công việc quan trọng trên. Hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp cho các bạn sinh viên nói riêng và bạn đọc nói chung một số định hướng và kỹ năng, để chúng ta hiểu đúng về chuyển đổi số và áp dụng hiệu quả vào việc chọn ngành nghề và học tập tại giảng đường, chuẩn bị mình một cách tốt nhất để tham gia vào thị trường lao động và một xã hội của cuộc cách mạng 4.0", nhà báo Lê Xuân Sơn nói.

PGS, TS. Phạm Minh Toại phát biểu tại chương trình. Ảnh: Dương Triều

PGS, TS. Phạm Minh Toại - Phó Hiệu trưởng ĐH Lâm nghiệp cho biết, trường có 3 cơ sở, trong đó cơ sở chính ở Xuân Mai (Hà Nội) và Đồng Nai, Gia Lai; có 36 ngành đào tạo; có hai trường THPT. Theo dõi chương trình hôm nay không chỉ có giảng viên, sinh viên nhà trường tại cơ sở chính mà cả ở phân viện Đồng Nai và Gia Lai.

Với chủ đề cuốn sách Nghề nghiệp thời chuyển đổi số và toạ đàm “Kỹ năng sinh viên thời đại mới”, nhà trường rất mong muốn góp thêm góc nhìn mới cho học sinh, sinh viên để có định hướng phát triển. Bên cạnh đó, sự kiện là dịp để Hội Sinh viên, Đoàn thanh niên ĐH Lâm nghiệp kết nối hơn với báo Tiền Phong và báo chí.

Nhà báo Lê Xuân Sơn tặng hoa đại diện các tác giả "Trường học hay Trường đời 3". Ảnh: Dương Triều.

Tại chương trình, các bạn sinh viên đã có dịp trao đổi, giao lưu với tác giả có bài viết trong đặc san là nhà báo Lê Xuân Sơn, TS. Lê Thẩm Dương. Trong đó, TS. Lê Thẩm Dương đã chia sẻ, trao đổi với các sinh viên ĐH Lâm nghiệp về những kỹ năng, phẩm chất trong thời đại mới gắn với cách mạng công nghệ 4.0.

Theo TS. Dương, các bạn sinh viên cần có "tư duy tăng thu" nghĩa là sự chủ động, tấn công; hướng đến sự phát triển toàn diện; khả năng thay đổi; kiến thức nền tảng; công nghệ. Để làm được điều đó, sinh viên cần có khát vọng; xây dựng niềm tin cho bản thân; có động lực bản thân; trình độ chuyên môn vững chắc và hiểu biết nhiều ngành nghề...

TS. Lê Thẩm Dương chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Dương Triều

Đánh giá về đặc san “Trường học hay Trường đời 3”, anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam cho biết: “Chuyển đổi số” là cụm từ sẽ được nhắc đến nhiều trong thời gian tới và ngay từ bây giờ, các bạn học sinh, sinh viên nên làm quen dần, bởi nó là xu thế tất yếu trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Chúng tôi đánh giá cao ý tưởng xuất bản đặc san “Trường học hay Trường đời 3” với chủ đề “Nghề nghiệp thời chuyển đổi số” của báo Tiền Phong. Hy vọng, đây sẽ là cẩm nang giúp các bạn học sinh, sinh viên hiểu đúng về chuyển đổi số và áp dụng hiệu quả vào việc chọn ngành nghề và học tập tại giảng đường”.

Tại chương trình tọa đàm, nhiều sinh viên đã gửi tới những câu hỏi về các vấn đề khởi nghiệp, kinh nghiệm tích lũy kiến thức, kỹ năng "xuyên môn" và "chuyên môn"...

TS. Lê Thẩm Dương ký tặng đặc san “Trường học hay Trường đời 3” tặng sinh viên ĐH Lâm nghiệp. Ảnh: Dương Triều

Nhà báo Lê Xuân Sơn ký tặng đặc san “Trường học hay Trường đời 3” tặng sinh viên ĐH Lâm nghiệp. Ảnh: Dương Triều

Các bạn sinh viên và Ban Tổ chức, tác giả cuốn sách chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Dương Triều

Quy tụ nhiều tác giả, khách mời uy tín

“Trường học hay Trường đời 3” quy tụ nhiều tác giả, nhân vật khách mời uy tín đang được đông đảo các bạn học sinh, sinh viên yêu thích.

Trong đó, có: TS. Lê Thẩm Dương (tác giả sách best-seller, chuyên gia kinh tế, diễn giả hàng đầu Việt Nam); nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong; ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc Điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN;

TS. Lương Cần Liêm, giảng viên Đại học Y khoa Paris (Pháp), Chủ tịch Hội Khoa học Hữu nghị Tâm lý, Tâm thần Pháp - Việt; TS. Đặng Hoàng Giang, chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội, tác giả sách best-seller; Nhà giáo nhân dân, GS, TS. Trần Văn Chứ, ĐH Lâm nghiệp.

Ấn phẩm này còn có sự tham gia của Nhà giáo ưu tú, TS. Phạm Xuân Khánh, CĐ Nghề Công nghệ cao Hà Nội; TS. Đào Thu Trang, ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội; TS. Nguyễn Tất Thắng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam; TS. Vũ Tuấn Anh, Học viện Ngoại giao Việt Nam; ông Trần Trung Hiếu, CEO TopCV;

Bà Thái Minh Châu, Giám đốc đối ngoại của Fonos; ông Trần Văn Tuấn, chuyên gia đào tạo bán hàng; Ths. Vũ Tuấn Anh, chuyên gia hướng nghiệp, khởi nghiệp nghề nghiệp trong kỷ nguyên số;

Nhà báo Trần Tuấn, Báo Tiền Phong; nhà báo Nguyễn Tuấn Anh, Báo Tiền Phong; ông Nguyễn Hà Duy, Trưởng ban Giáo dục, Kênh 14.

“Trường học hay Trường đời 3” có khổ 16x24 cm, gồm bìa cứng, bìa áo và hơn 200 trang ruột màu, giá bìa 300.000 đồng.