Trong cùng một ngày 31/10, chính quyền hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang có động thái liên quan đến dự án trọng điểm quốc gia cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang.
Tại Tuyên Quang, sau khi nhận báo cáo về điểm nghẽn giải phóng mặt bằng liên quan đến 265 hộ dân do chưa phê duyệt phương án bồi thường, Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Sơn chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan sớm có cơ chế chính sách hỗ trợ tối đa cho công tác giải phóng mặt bằng, đền bù cho các hộ tái định cư. Cùng với đó, ông yêu cầu cấp uỷ, chính quyền thành phố Tuyên Quang, huyện Yên Sơn và huyện Hàm Yên cùng các xã có cao tốc chạy qua tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công.
"Phải coi đây là nhiệm vụ chính trị để nỗ lực hoàn thành, không được chậm trễ, không được có tư tưởng đủng đỉnh chờ Tết xong mới thực hiện", Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, đồng thời lưu ý các chủ đầu tư, đơn vị thi công tập trung cao độ, huy động thêm máy móc thiết bị, tranh thủ thời tiết thuận lợi để thi công những mặt bằng đã được bàn giao.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang, dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh có tổng chiều dài 77km, tổng mức đầu tư 8.800 tỷ đồng. Công tác giải phóng mặt bằng được chia làm 3 tiểu dự án, do UBND thành phố Tuyên Quang, huyện Yên Sơn và huyện Hàm Yên làm chủ đầu tư. Đến nay các chủ đầu tư đã bàn giao gần 57 km cho đơn vị thi công, đạt gần 82%. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến còn nhiều điểm nghẽn, một số nơi gặp khó khăn nguồn đất đắp đường và điểm đổ thải.
Tại Hà Giang, cũng trong ngày 31/10, Hội đồng nhân dân tỉnh đã họp, thông qua Nghị quyết điều chỉnh dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang đoạn qua tỉnh Hà Giang. Theo đó, dự án được điều chỉnh quy mô từ 2 làn xe lên 4 làn xe nhằm bảo đảm phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cùng với việc điều chỉnh nâng số làn xe của cao tốc, quy mô đầu tư cũng được điều chỉnh theo cấp đường cao tốc có tốc độ tính toán là 80km/giờ. Nội dung điều chỉnh thiết kế bao gồm quy mô mặt cắt ngang đường cao tốc, công trình cầu, hệ thống ITS. Dự kiến tổng mức đầu tư điều chỉnh là 4.850 tỷ đồng, tăng 1.652 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã duyệt. Cơ cấu nguồn vốn ngân sách Trung ương 2.654 tỷ đồng, ngân sách địa phương 2.196 tỷ đồng.