Quy định rõ trách nhiệm tiếp dân

TP - "Khi người dân đến gửi đơn thư, phản ánh ý kiến đến Quốc hội thì Quốc hội phải bố trí người tiếp. Phải lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân xem họ còn vướng mắc gì, mắc ở đâu, mắc như thế nào để cùng trao đổi, làm rõ vấn đề và bàn cách giải quyết".

> Đợi ngoài cổng hai năm chưa được tiếp
> Tăng cường đối thoại, tiếp dân tại cơ sở

Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Nương, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, khi trao đổi với Tiền Phong xung quanh công tác tiếp dân, nhân việc UBTVQH vừa thảo luận, cho ý kiến sửa Nghị quyết về công tác tiếp dân của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và các cơ quan của Quốc hội.

Bên cạnh đó, bà Nương cũng cho rằng, cần phải xem xét nếu việc người dân phản ánh đã được giải quyết và giải quyết đúng thì phải làm công tác tư tưởng để người dân không nên tiếp tục đi khiếu kiện. Nếu khiếu nại nào cũng gửi tới Quốc hội thì Quốc hội không có khả năng để giải quyết hết được.

Theo bà Nguyễn Thị Nương, cần phải có nguyên tắc cụ thể về việc tiếp đón công dân đến gửi đơn thư kiến nghị, phản ánh. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Như vậy, việc tiếp và giải quyết đơn thư của công dân, ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội phải không để dân phải chờ đợi, “chạy” lòng vòng hết nơi này nơi kia?

Tất nhiên là không nên để người dân phải rơi vào hoàn cảnh như vậy. Cứ để người dân đến chầu chực trước trụ sở Văn phòng Quốc hội là không nên. Quốc hội phải có nơi tiếp dân. Người tiếp có trách nhiệm hướng dẫn công dân gửi đơn thư đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xử lý đơn thư theo đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân cần bám sát nguyên tắc tiếp công dân để thu thập ý kiến, nguyện vọng, phản ánh của công dân; tiếp nhận, phân loại, nghiên cứu, chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; kiến nghị và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Để chấm dứt tình trạng người dân phải chờ đợi quá lâu mà không được tiếp như trường hợp của công dân Nguyễn Thị Phương Dung mà bà nêu tại Phiên họp thứ 19 UBTVQH, việc sửa Nghị quyết nên quy định như thế nào, thưa bà?

“Đã giải quyết nhưng chưa sáng tỏ”

Trong đơn gửi Tiền phong, bà Nguyễn Thị Phương Dung (30/35 Đoàn Văn Bơ, TPHCM) được ủy quyền của bố mẹ Nguyễn Hưng Anh và Tạ Thị Liên (đã mất năm 2001, gia đình liệt sỹ). Bà Dung cho biết, vụ việc của gia đình bà đã được UBTVQH khóa XII giải quyết nhưng có nhiều điều chưa sáng tỏ.

Cách đây gần 20 năm, báo Tiền phong từng đăng bài “Đúng hay không đúng pháp luật” của nhà báo Đinh Văn Nam (ngày 5/7/1994) phản ánh việc cưỡng chế thu hồi 819 m2 đất của gia đình bà Dung tại phường Quang Trung, Hà Đông (Hà Tây nay là Hà Nội) có nhiều uẩn khúc.

Chúng ta đã có Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, có các quy định về việc tiếp công dân đối với đại biểu dân cử. Tôi muốn trước tiên phải có nguyên tắc tiếp đón công dân đến gửi đơn, thư, kiến nghị và phản ánh với ĐBQH và Quốc hội. Cụ thể, phải có người đại diện của cơ quan tiếp, lắng nghe người dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân. Nghe xem nhân dân có tâm tư nguyện vọng gì, phản ánh như thế có đúng không. Vì khi người dân viết đơn thư, khiếu nại, kiến nghị với lãnh đạo cấp trên, với ĐBQH là người dân muốn nói rằng “tôi đang bị oan sai, đề nghị được giúp đỡ”.

Đại biểu dân cử phải lắng nghe, để rồi tìm cách giải quyết việc đó cho dân. Giải quyết không có nghĩa là mình làm thay các cơ quan chức năng, mà có thể là hướng dẫn người dân gửi đơn thư đến đúng địa chỉ có trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết. Có những trường hợp công dân gửi đơn đi quá nhiều nơi là không nên.

Quốc hội nên bố trí phòng để tiếp dân. Người tiếp là ai phải rõ, trách nhiệm tiếp như thế nào cũng phải quy định cụ thể. Công dân đến gửi đơn thư cũng phải có trách nhiệm tuân thủ quy định chung của pháp luật, không phải là gửi cấp nào, cơ quan nào cũng được, khi gặp gỡ cơ quan nhà nước phải giữ gìn trật tự...

Có những công dân đi gõ cửa nhiều nơi, chờ đợi hàng chục năm trời vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Trường hợp bà Dung mà bà đề cập tại Phiên họp UBTVQH là một điển hình, vậy sau cuộc họp đó, việc này có được tái xem xét?

Trong phát biểu tại phiên họp UBTVQH thảo luận sửa đổi Nghị quyết về các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp công dân, tôi có nêu trường hợp chị Dung như là một ví dụ cụ thể về quy trình tiếp công dân, theo dõi việc giải quyết khiếu nại và tố cáo của công dân. Còn việc xem xét đơn khiếu nại cụ thể của chị Dung thuộc thẩm quyền của các cơ quan khác của Quốc hội, UBTVQH.

Cảm ơn bà.

Đang xem lại vụ việc công dân chờ 2 năm không được tiếp

Trao đổi với Tiền Phong về trường hợp công dân Nguyễn Thị Phương Dung phải chờ đợi bên ngoài cổng Văn phòng Quốc hội suốt 2 năm không được tiếp, ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, cho biết, thực ra vụ việc của công dân Dung đã được UBTVQH khóa XII giải quyết, chứ không phải là không tiếp. Tuy nhiên, công dân không đồng ý với kết luận giải quyết.

Theo ông Hiền, vụ việc trên đang được Ban Dân nguyện xem xét, mời các cơ quan có thẩm quyền để bàn lại xem giải quyết như thế nào. Đây không phải là vụ việc mới mà công dân đã khiếu kiện mấy chục năm rồi. “Trước hết chúng tôi sẽ mời các cơ quan liên quan đến để làm việc lại, bàn lại xem thế nào. Chúng tôi đã giao cho cán bộ Vụ Dân nguyện nghiên cứu xem xét để xử lý” - Ông Hiền nói.

Theo Báo giấy