Quỹ Bảo hiểm phải dùng đúng mục đích, không ai được xâm phạm dù chỉ một xu

TPO - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nguyên tắc của Quỹ Bảo hiểm là “có đóng thì có hưởng”, phải dùng đúng mục đích, không ai được xâm phạm dù chỉ một xu.
Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ. Ảnh Như Ý

Sáng 17/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến hết năm 2020, tổng số kết dư quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ước đạt gần 935,1 nghìn tỷ đồng, trong đó các quỹ kết dư chuyển sang năm 2021 lần lượt là: Quỹ ốm đau, thai sản hơn 12,7 nghìn tỷ đồng; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) hơn 53,7 nghìn tỷ đồng; Quỹ hưu trí, tử tuất hơn 789,1 nghìn tỷ đồng; Quỹ BHTN hơn 89,1 nghìn tỷ đồng.

Thẩm tra vấn đề này, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng số kết dư như vậy là lớn. Trong đó, quỹ ốm đau, thai sản có năm thứ 2 liên tiếp mất cân đối thu - chi nhẹ, tuy nhiên vẫn có nguồn kết dư chuyển sang năm sau. Hay các loại quỹ về tai nạn, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp đến nay kết dư lớn, số dư hàng năm cao.

Qua nhiều năm thực hiện cho thấy, nhiều chế độ, chính sách liên quan đến các quỹ này chưa đi vào cuộc sống và chưa phát huy được vai trò chủ động của chính sách BHTN là giá đỡ của thị trường lao động.

“Có ý kiến cho rằng, các quỹ ngắn hạn mà có kết dư lớn sẽ gây gánh nặng cho người sử dụng lao động, ngân sách nhà nước và mất công bằng đối với người thụ hưởng”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay.

Trong bối cảnh dịch bệnh, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh gợi ý, có thể sử dụng quỹ kết dư này để mua vắc-xin cho công nhân lao động, hay hỗ trợ cho công nhân gặp khó khăn, mất việc làm, không có thu nhập. “Tôi thấy việc này có thể làm được, vì Quỹ BHTN của chúng ta đang còn kết dư rất lớn”, bà Thanh cho hay.

Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ không đồng tình với đề xuất này. Theo ông, nguyên tắc của quỹ này là “có đóng thì có hưởng”, không phải muốn làm thế nào cũng được. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, không ai được xâm phạm dù chỉ một xu, vì đây là quỹ đóng hưởng, không phải ngân sách, nên phải dùng đúng mục đích, đúng nguyên tắc.

Với chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 cũng vậy, tiền tư nhấn dùng thế nào cũng được, còn tiền ngân sách có mục, có ô, cần gác thật chặt, không để bị xà xẻo… “Khi tôi làm Bộ trưởng, Phó Thủ tướng, tôi làm rất chặt. Không phải thấy số dư rồi làm việc này, việc kia”, ông Huệ nêu.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Bộ Tài chính sớm hoàn thiện việc nghiên cứu, đề xuất các phương thức đầu tư kết dư Quỹ BHXH để nâng cao hiệu quả, góp phần bảo đảm cân bằng quỹ trong dài hạn. Đề xuất phương thức, thứ tự ưu tiên hạch toán thu tiền đóng vào Quỹ BHYT, BHTN và các quỹ thành phần. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐTB&XH, BHXH Việt Nam có đề xuất sửa đổi phù hợp Luật BHXH, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Cùng với đó, cần đánh giá kết quả thực hiện việc hỗ trợ thông qua chính sách BHXH, BHTN cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19; đồng thời cần có dự báo tình hình, đánh giá tác động ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, các chỉ tiêu năm 2021.

Quốc hội cũng cần chỉ đạo, đề nghị Kiểm toán Nhà nước và các bộ liên quan tiến hành kiểm toán, thanh tra đến tận cấp huyện, sử dụng các báo cáo của ngành BHXH cung cấp cho Ủy ban Xã hội để thực hiện đối chiếu, rà soát.