Chênh vênh địa vị đặc khu
Chiều 10/11, thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt, ĐB Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) cho rằng, tổ chức bộ máy đột phá mới khắc phục được tình trạng thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, mất thời gian. “Nếu chúng ta cứ do dự, cứ theo nếp cũ thì khó mà tạo ra được sự đột phá. Chúng ta đừng lo là trao quyền nhiều cho Trưởng đặc khu rồi không ai giám sát, vì chúng ta vẫn có Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, HĐND tỉnh. Giám sát ở đây không giống như các địa phương khác mà giám sát thực chất, hiệu quả”, bà Nguyên nói.
Cho rằng bộ máy hành chính đặc khu phải tinh gọn, vượt trội, song ĐB Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam chỉ ra rằng, quy định như trong dự thảo khiến cho địa vị của đặc khu vẫn “chênh vênh”, không rõ thuộc tỉnh hay trung ương quản lý. Theo ĐB Mẫn, nếu cứ để nhập nhằng rất khó tạo ra sự bứt phá. “Luật này phải tạo ra sự thông thoáng, mở ra cơ hội phát triển. Mà muốn đột phá, phải cho đặc khu quyền tự chủ, chứ ràng buộc nhiều thứ cả trung ương lẫn địa phương thì khó phát triển. Do đó có thể nghiên cứu để Trưởng đặc khu trực thuộc T.Ư, có toàn quyền nhằm tạo ra sự đột phá”, ĐB Mẫn nói và đề nghị, quy định về đặc khu phải thông thoáng; đặc khu phải là ước mơ, tạo niềm hứng khởi cho doanh nghiệp.
Ủng hộ trao quyền mạnh cho Trưởng đặc khu, ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) lưu ý, quy định trong dự thảo đang khiến đặc khu lâm vào cảnh “hai mẹ hai cha, vừa địa phương vừa trung ương quản lý”. “Chúng ta đừng để lâm vào câu chuyện tập thể, trách nhiệm tập thể, rất trì trệ vì chờ đợi nhau”, ĐB Kim phát biểu. ĐB Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) cảnh báo, với các quy định “lấn cấn” như dự thảo thì chưa đảm bảo Trưởng đặc khu có đầy đủ thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. “Trưởng đặc khu phải là người chịu trách nhiệm cao nhất để nhà đầu tư đến làm việc, như thế mới tạo ra sự thông thoáng”, ông Tuấn phân tích.
Giải đáp những băn khoăn của các đại biểu, ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, trước mắt đặc khu sẽ trực thuộc cấp tỉnh. Sau này nếu đặc khu phát triển, cấp tỉnh không còn phù hợp thì khi đó chuyển sự quản lý thuộc trung ương cũng chưa muộn. “Ta cứ làm từng bước chắc chắn, phù hợp tình hình, trong đó cán bộ là khâu quyết định. Con người chọn kỹ rồi, chọn được người tài rồi thì sẽ thực hiện được. Chọn con người thuộc cấp ủy địa phương nhưng Trung ương cũng phải hỗ trợ về cơ chế, chính sách, tiêu chí, tiêu chuẩn”, ông Chính nói.
Không casino - đặc khu có còn đặc biệt?
Đề cập đến các loại hình kinh doanh ở các đặc khu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, casino là loại hình kinh doanh đặc biệt. Nếu không có casino mà đầu tư loại hình kinh doanh, sản xuất khác thì không có gì đặc biệt. “Các đặc khu kinh tế cần tranh thủ các loại hình này, nhưng cần có một số quy định pháp luật kèm theo, như việc tổ chức casino thì người Việt được vào không, kinh doanh thế nào”, ông Tân nêu ý kiến.
Dẫn chứng câu chuyện về đầu tư xây dựng casino ở Singapore, ĐB Trần Thanh Mẫn cho biết, lúc đầu Singapore cương quyết không làm, nhưng sau một thời gian nghiên cứu đã phải thay đổi quan điểm. Hiện nay Singapore vẫn cho người trong nước vào đánh bạc, nhưng phải đặt cọc tiền. Chúng ta xây dựng casino ở đặc khu, nếu không cho người Việt vào chơi thì khó thu hút được doanh nghiệp đầu tư.
Nêu bài học thất bại mô hình casino Đồ Sơn (Hải Phòng), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh (ĐB tỉnh Quảng Trị) lo ngại: Nếu cả 3 đặc khu đều phát triển casino dễ lâm vào cảnh “bị thừa”. Theo ĐB Sinh, chính sách đưa ra cho đặc khu nếu vẫn “bình bình”, chỉ so sánh “ta với ta” thì không có gì khác biệt, không thể vươn ra quốc tế.
“Việt Nam có 3 casino cùng đầu tư, lại hưởng những chính sách ưu đãi, cạnh tranh với nhau thì không hợp lý. Nên phát triển một casino tại 1 đặc khu, phát triển cho xứng tầm khu vực, thế giới”, ĐB Sinh nói và lưu ý, không nên ưu tiên phát triển trùng nhau về ngành nghề, nếu vẫn quy định “dải mành mành như dự thảo sẽ khó thành công”. Cũng liên quan đến hoạt động casino ĐB Nguyễn Phan Như Khuê (TPHCM) nói, nếu không làm rõ đặc trưng riêng đối với từng đặc khu, là cử tri sẽ hiểu rằng đặc khu chỉ hợp thức hóa cho casino, vì theo dự thảo các đặc khu đều hướng tới casino.
Chính sách, cơ chế đặc biệt cho đặc khu
Về Kinh tế:
. Thu hẹp ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện từ 243 ngành, nghề.
. Cho phép thuê đất với thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm.
. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền chuyển nhượng, mua, thuê mua và sở hữu nhà ở thương mại trong dự án nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng.
. Cho phép giá trị bán hàng miễn thuế cho khách du lịch tại khu phi thuế quan bằng với định mức miễn thuế nhập khẩu.
. Miễn thị thực với thời gian tạm trú không quá 60 ngày và cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài.
. Áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ kinh doanh casino, đặt cược thấp hơn mức thuế suất hiện hành trong 10 năm.
Về tổ chức chính quyền:
. Phương án 1: Không tổ chức HĐND và UBND mà theo thiết chế Trưởng Đơn vị đặc khu. Trưởng Đơn vị đặc khu có bộ máy giúp việc, các cơ quan chuyên môn và Trưởng Khu hành chính. Trưởng Đơn vị đặc khu do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
. Phương án 2: Chính quyền địa phương tại đặc khu là một cấp chính quyền địa phương, trong đó có tổ chức HĐND và UBND. Tuy nhiên, sẽ không phân định thành các đơn vị hành chính cấp dưới mà được chia thành các khu hành chính trực thuộc.
Các địa bàn dự kiến thành lập 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu) đều là những nơi có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh. Do đó, đề nghị làm rõ vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và tác động của tình hình an ninh chính trị trong khu vực đến sự phát triển ổn định của các đơn vị này. Bên cạnh đó, việc phát triển đơn vị đặc khu dự kiến sẽ gắn với các dự án quy mô lớn, vì vậy cần đánh giá về tác động đối với việc bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, đặc biệt là tài nguyên biển đảo và rừng phòng hộ ở các khu vực này (trích Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật)
Rà soát BOT, ngăn doanh nghiệp FDI chuyển giá
Sáng 10/11, với đa số tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế, xã hội năm 2018. Theo đó, các chỉ tiêu lớn được Quốc hội “chốt” là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5% - 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7% - 8%. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33% - 34% GDP...
Để hoàn thành được các chỉ tiêu trên, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các bộ, ngành tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách, triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước và sử dụng tài sản công, xe công; đẩy mạnh khoán chi hành chính, đấu thầu, đặt hàng trong cung ứng dịch vụ công. Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tăng cường thu hút có chọn lọc vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lựa chọn các dự án hiệu quả, có giải pháp khắc phục tình trạng doanh nghiệp FDI báo lỗ, chuyển giá, gây thất thu ngân sách nhà nước, bảo đảm các yêu cầu về chuyển giao công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa, bảo vệ môi trường. Có giải pháp tăng cường liên kết doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI lớn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm. Ngoài ra, Quốc hội yêu cầu thực hiện rà soát toàn bộ các trạm BOT giao thông đường bộ nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, người dân.
Văn Kiên