Quốc hội thảo luận Dự án Luật Thương mại và Luật Dược

Sáng nay (9/5), Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được, tiếp tục thảo luận và cho ý kiến về một số nội dung của Dự án Luật Thương mại (sửa đổi).

Theo gợi ý của Đoàn chủ tịch, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận và cho ý kiến về một số vấn đề như: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, về thương nhân, dịch vụ giám định, mức phạt vi phạm…

Đóng góp ý kiến về Sở giao dịch thương mại (Mục 3, Chương II), đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang), Đặng Văn Thanh (Cần Thơ) nêu kiến nghị cần làm rõ hơn về khái niệm của Sở giao dịch thương mại là cơ quan quản lý hành chính Nhà nước hay là thương nhân, vì nếu không sẽ dễ dẫn đến hiểu lầm, và nếu là một thương nhân thì có phải là thương nhân đặc biệt không.

Trong Dự án Luật Thương mại (sửa đổi) lần này cũng cần chú ý quan tâm hơn nữa việc cần quy định về vấn đề thương hiệu, hiệp hội, hỗ trợ của Nhà nước đối với nhân dân, doanh nghiệp khi bị thị trường nước ngoài cạnh tranh, gây sức ép…

Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) đóng góp ý kiến về Điều 297 (về buộc thực hiện đúng hợp đồng) tuy đã quy định rõ và đầy đủ, nhưng chỉ ghi một chiều khi bên vi phạm là người bán mà không đề cập đến người mua khi vi phạm. Đại biểu dẫn chứng là trong thực tế, bên vi phạm là người mua xảy ra không ít, việc các doanh nghiệp vi phạm khi thu mua của người dân, thực hiện không đúng hợp đồng đã gây thiệt hại không nhỏ.

Chính vì vậy trong Dự án Luật cần quy định thêm việc bên vi phạm là người mua cho tương xứng. Dự án Luật lần này cũng cần quy định rõ ràng, đi sâu vào cụ thể từng Khoản, từng Điều để giúp các doanh nghiệp, người dân hiểu và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh, Quốc hội cũng đã nghe bà Nguyễn Thị Hoài Thu - Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đọc Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự thảo Luật Dược. Dự thảo Luật Dược gồm 11 Chương, 72 Điều, quy định việc kinh doanh thuốc; đăng ký, lưu hành thuốc; sử dụng thuốc; cung ứng thuốc; thông tin, quảng cáo thuốc; thử thuốc trên lâm sàng; quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc phóng xạ; tiêu chuẩn chất lượng thuốc và kiểm nghiệm thuốc.

Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự thảo Luật Dược nêu rõ, kết quả tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan cho thấy đa số ý kiến tán thành với tên gọi, bố cục và nhiều nội dung của Dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến góp ý về một số nội dung của Dự thảo Luật. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Dược về những vấn đề như: Quy định về chính sách của Nhà nước về thuốc; Quản lý Nhà nước về giá thuốc; Về cung ứng thuốc cho các cơ sở khám, chữa bệnh; Về nội dung quản lý Nhà nước; Về việc sử dụng khái niệm thuốc "đông y" hay thuốc "cổ truyền"; Về giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc; Về bao bì, nhãn mác…

So với Dự thảo Luật Dược trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XI, Dự thảo Luật Dược lần này ít hơn 6 Điều, trong đó các quy định về bán lẻ thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, thuộc không được bán buôn, bán lẻ đã ghép vào Điều 8 quy định về những hành vi bị nghêm cấm; hồ sơ thủ tục thử thuốc trên lâm sàng được ghép vào Điều 61 quy định về các giai đoạn và thủ tục thử thuốc trên lâm sàng; bỏ quy định nội dung quản lý Nhà nước về dược và những trường hợp không áp dụng điều ước quốc tế.

Đại biểu Đỗ Nguyên Phương (Bình Phước) đóng góp ý kiến cho rằng về giá thuốc, cần quan tâm đến quy luật cung-cầu của thực tế cuộc sống, ảnh hưởng trực tiếp đến người mua thuốc, sử dụng thuốc chữa bệnh. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý quan tâm đến nội lực của ngành dược trong nước.

Theo đại biểu, hiện mới chỉ sản xuất thuốc trong nước được khoảng 40%, còn lại có đến 60% thuốc nhập ngoại, như vậy vẫn đang còn có sự thách thức giữa thuốc được sản xuất trong nước và thuốc nhập từ nước ngoài.

Đại biểu Đỗ Nguyên Phương cũng cho rằng, rõ ràng hoạt động dược có đặc thù riêng, vừa phải đảm bảo nhiệm vụ xã hội về cung ứng thuốc thường xuyên và đủ chất lượng cho nhân dân, vừa phải đảm bảo kinh doanh có hiệu quả. Và như vậy, ngành dược chính là một ngành kinh tế mũi nhọn, cần sự quan tâm, đầu tư thích đáng của Nhà nước.

Đại biểu cũng đề nghị, Dự thảo Luật Dược cần có một chương riêng nói về quản lý Nhà nước về dược, vì đây là vấn đề quan trọng, trong đó có nhiều vấn đề về giá, chất lượng, sử dụng, thanh tra dược… Bên cạnh đó cũng cần quy định cụ thể hơn về vấn đề quản lý giá thuốc, quản lý Nhà nước về dược, hệ thống kiểm nghiệm thuốc theo các cấp từ Trung ương đến địa phương trước khi đưa thuốc ra thị trường…