Nguyễn Phương Mai thuật lại: “Một trang thể thao và vài cá nhân đã đăng ảnh của những nhà vô địch cùng lời mơ ước được trực-tiếp ngay-lập-tức hôn lên logo lá cờ in trên ngực áo thi đấu của Thanh Nhã và đội tuyển. Với 40 ngàn tương tác, dưới comment là hàng nghìn lời hưởng ứng của những người đàn ông xa lạ, nhiều người đã có vợ/bạn gái, nhiều người là trí thức, nhiều người có con chắc cũng bằng tuổi các cô, nhiều người vẫn dùng ảnh đại diện là chính con gái bé bỏng ở nhà”.
Đây là một dẫn chứng hùng hồn cho việc phụ nữ không cần phải ăn mặc hở hang, đi một mình ban đêm phố vắng hay lả lơi mời gọi mới bị quấy rối. Những nhà vô địch ở đỉnh cao của vinh quang cũng bị hạ bệ theo một cách ít ai ngờ tới nhưng có vẻ lại được không ít người tán thưởng.
Được lời như cởi tấm lòng… Nhiều người lao vào bình luận dưới tấm ảnh kia, thể hiện khiếu hài hước còn “bay bổng” hơn “chủ thớt”. Những lời lẽ đùa cợt được Nguyễn Phương Mai mô tả như “những lời đòi hỏi mang tính giường chiếu” hoặc “những lời bình phẩm không khác gì mô tả phim sex”.
“Quấy rối, xâm hại phụ nữ là một phần hệ quả của tư tưởng phụ hệ, vô thức coi phụ nữ như những thực thể nhục dục”, Nguyễn Phương Mai viết. Còn đây là quan điểm của nhà tâm lý học Vũ Chí Hồng (Trung Quốc): “Một xã hội nam quyền yêu cầu nam giới phải tài giỏi, phụ nữ trong xã hội nam quyền cũng mong muốn nam giới phải tài giỏi… Có hai cách để một người đàn ông thuyết phục một phụ nữ rằng anh ta tài giỏi: Thể hiện ưu điểm của bản thân, hoặc phủ định ưu điểm của phụ nữ”.
Vụ quấy rối này là một điển hình. Thay vì chia vui với chiến thắng của các nữ cầu thủ hoặc phân tích về chuyên môn, người ta lại chăm chăm nhìn vào những bộ phận giới tính trên cơ thể - những gì mà phụ nữ nào cũng có để cười cợt. Đây là cách nhanh nhất để “vật dục hóa” đối tượng. Từ đó truyền tải một quan điểm phụ quyền: “Các cô dù có chiến thắng, có vinh quang đến đâu chẳng qua cũng chỉ là phụ nữ...” kiểu "làm hoa cho người ta hái mà thôi". Đây cũng có thể là cách nam giới che giấu mặc cảm thua kém về thành tích. Vì với những người hâm mộ bóng đá thì chiến thắng của đội tuyển cũng là của chính họ và ngược lại.
Thực ra những người mang tư tưởng nam quyền bệnh hoạn kiểu này sẽ áp dụng nó với bất cứ đối tượng khác giới nào. Nhưng trong trường hợp này các cầu thủ đang ở đỉnh cao là mục tiêu rất thích hợp. Làm cho họ cảm thấy việc quấy rối của mình có ý nghĩa lớn lao khi được nhiều người hướng ứng và chia sẻ hơn. Khi là một phần của đám đông cùng “chí hướng” đó, họ cảm thấy mình mạnh mẽ hơn.
Mặt khác các nữ cầu thủ cũng là một kiểu người của công chúng sẽ khó lòng mà có thể tìm cách phản kháng những kẻ núp trong đám đông, chỉ chìa những ngôn từ xấu xí của mình ra. Cho nên họ càng yên tâm thể hiện khiếu hài hước vô độ của mình.
Sau khi bị phản đối, người tiên phong nghĩ ra cách cợt nhả nhân chiến thắng của bóng đá nữ đã xin lỗi và xóa bài đăng. Tuy nhiên, theo Nguyễn Phương Mai trang facebook với 40 ngàn tương tác vẫn chưa có động thái gì. Nếu bài đăng trên đó vẫn tồn tại thì theo chị nó sẽ trở thành “phòng triển lãm của một quá khứ ngốc nghếch và thiển cận”, rồi một ngày có thể các tác giả bình luận sẽ len lén xóa phần của mình đi vì lo cháu chắt đọc được... Nhưng cho đến lúc này, điều đáng tiếc là họ vẫn chưa nhìn ra tình cảnh mà chính những người nữ gần gũi nhất với họ có thể sẽ gặp phải. Khi phải sống với một “đối tác” và mở rộng ra là cả một cộng đồng thiếu tôn trọng tính nữ.