Quần thể sưa đỏ trên 'núi triệu đô' ở Hà Nội

Núi Nùng trong công viên Bách Thảo được mệnh danh là "núi triệu đô" vì trên gò đất nhân tạo này có hàng chục cây sưa đỏ cổ thụ rất quý.
Vườn Bách Thảo được thành lập năm 1890 với hơn 200 loài cây. Trong đó đặc biệt hơn cả là 40 cây sưa đỏ trên 100 tuổi được trồng trên một gò đất nhân tạo, gọi là núi Nùng hay núi Sưa.

Sưa hay còn gọi trắc thối (danh pháp khoa học Dalbergia tonkinensis Prain) là loài cây thân gỗ thuộc họ đậu. Đây là cây gỗ nhỡ, rụng lá theo mùa, cao 6-12 m. Thân cây dạng hợp trục, dáng phân tán.

Vỏ cây màu vàng nâu hay xám, nứt dọc. Gỗ sưa cho mùi thơm thoảng nhẹ kiểu hương trầm. Khi đốt tàn có màu trắng đục, mùi khó chịu nên được gọi là trắc thối.

Gỗ sưa thớ mịn, vân đẹp. Thời phong kiến, vua chúa dùng gỗ sưa để đóng đồ nội thất cao cấp trong cung đình vì vừa là hương liệu vừa là dược liệu.

Cành sưa non màu xanh, có lông mịn thưa. Lá mọc cách, cấu tạo lá dạng kép lông chim lẻ. Là cây ưa sáng, ưa đất sâu, dày, độ ẩm cao. Sưa chủ yếu phân bổ ở Việt Nam và được tìm thấy rải rác tại Hải Nam, Trung Quốc (tại đây gọi nó là hoàng (huỳnh) đàn Việt Nam).

Hoa mọc ra từ nách lá, thường xuất hiện trước khi lá mọc đầy đủ. Hoa tự tán gồm nhiều bông màu trắng, có kích thước 7-9 mm, mùi thơm nhẹ. Mùa hoa vào tháng 2-3.

Theo bà Nguyễn Thị Thạch, Giám đốc vườn Bách Thảo, những cây sưa đỏ trong vườn là nguồn gen thực vật quý hiếm không chỉ cho Hà Nội mà cho cả nước cũng như Hội Bảo vệ thiên nhiên thế giới. Bên cạnh việc bảo vệ sưa đỏ tại vườn, hiện Ban quản lý vườn Bách Thảo còn đưa các hạt giống sưa đỏ về trồng tại các vùng Hợp Châu (Tam Đảo), Tam Điệp (Ninh Bình) tiến tới xây dựng một bảo tàng gen, bảo tồn ngoại vi cho loài thực vật quý hiếm này. Trong ảnh, một số thân sưa cổ thụ bị các loài ký sinh.

Hiện nay, sưa bị đe dọa do mất môi trường sống và được chính phủ Việt Nam xếp vào nhóm cây cần bảo vệ nghiêm ngặt, cho phép trồng khoanh nuôi. Tại vườn Bách Thảo, tất cả cây sưa từ nhỏ đến lớn đều được quấn dây thép gai xung quanh để tránh “sưa tặc” trèo cây hái quả, trộm cành. Các cây đều được đánh số theo dõi.

Theo Theo VnExpress