Bỏ rơi người dân?
Sáng 22/6, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về việc thực hiện quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng, thành phố hiện có 688 cụm, tòa nhà chung cư thương mại đã đưa vào sử dụng nhưng đến nay, mới có 418 tòa nhà thành lập được ban quản trị; 309 nhà chung cư đã bàn giao diện tích sở hữu chung và phòng sinh hoạt cộng đồng cho ban quản trị. Mặc dù có 287 nhà chung cư đã được chủ đầu tư bàn giao hồ sơ nhà chung cư, nhưng chỉ có 184 nhà chung cư bàn giao kinh phí quỹ bảo trì 2%, phần sở hữu chung cho ban quản trị. 11 nhà chung cư mới bàn giao một phần. Đối với nhà tái định cư, hiện tại mới có 71/168 tòa thành lập được ban quản trị; 30 tòa nhà bàn giao quỹ bảo trì với tổng số tiền hơn 36 tỷ đồng, trong đó 6 tòa nhà đã sử dụng hết kinh phí bảo trì.
Hội nghị có 29 ý kiến trực tiếp và 30 ý kiến được gửi bằng văn bản của các cử tri là cư dân, đại diện ban quản trị các tòa chung cư, nêu lên thực trạng nhiều vướng mắc, kiến nghị giải pháp với thành phố và các cơ quan chức năng nhằm tăng hiệu quả quản lý, sử dụng nhà chung cư. Đây được đánh giá là hội nghị tiếp xúc cử tri có nhiều ý kiến cử tri nhất từ trước đến nay. Cụ thể, đa số các cử tri bức xúc việc chủ đầu tư chậm bàn giao quỹ bảo trì; tòa nhà chưa được nghiệm thu PCCC; thiếu hoặc ít diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng, tầng hầm, chỗ để xe, gây khó khăn cho hoạt động cộng đồng của cư dân. Nhiều ban quản trị tòa nhà chung cư tái định cư ở Hoàng Mai, Long Biên phản ánh, chất lượng công trình xuống cấp nghiêm trọng, lún sụt, gây bất an cho cư dân...
Cử tri quận Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân cũng cho rằng, mối quan hệ giữa ban quản trị và chính quyền cơ sở không được quy định rõ, quá trình hoạt động xảy ra “điểm nóng”, kiểm soát rất khó khăn, cần phải quy định cụ thể bằng một văn bản quy phạm pháp luật. Một số cử tri quận Cầu Giấy, Thanh Xuân cũng phản ánh, nhiều chủ đầu tư bàn giao không đầy đủ hồ sơ, quỹ bảo trì; nhà cộng đồng thiết kế một nơi, bàn giao một nẻo, dẫn đến việc đấu tranh kéo dài giữa cư dân với chủ đầu tư. Vì thế, UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm của chủ đầu tư.
Điển hình là chung cư 57 Láng Hạ (Đống Đa) được đưa vào sử dụng từ năm 2006 đến nay chưa thành lập được ban quản trị, nhưng vẫn không có chế tài xử lý, cư dân kêu cứu nhiều năm vẫn không chuyển biến.
Rất yếu kém
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến, phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, UBND quận, huyện và các xã, phường có trách nhiệm liên quan để giải quyết. Theo ông Hùng, với Hà Nội, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức đầu tư xây dựng, quản lý nhà chung cư còn bất cập, thành phố cũng còn nhiều lúng túng trong xây dựng cơ chế, chỉ đạo triển khai. Ông Hùng cũng cho biết, qua ý kiến của cử tri, thành phố nhận ra việc đưa ra cơ chế quản lý chưa phù hợp, nhất là về quản lý quy hoạch, quản lý nhà đầu tư, cơ chế phối hợp, giải quyết khi chủ đầu tư có sai phạm… Chính điều này gây mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân, gây khó khăn trong quản lý của các cấp.
Theo ông Hùng, vấn đề mới này cần được đánh giá rất thực chất, đang được thành phố tập trung giải quyết, cần chung sức của cả chính quyền, nhà đầu tư, cư dân… để giải quyết các mâu thuẫn mới có thể nâng cao chất lượng quản lý, sử dụng nhà chung cư. “Đúng là công tác quản lý chung cư đang rất yếu kém, tiềm ẩn nhiều tồn tại, mà nếu chúng ta không giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, đến đời sống người dân; chủ đầu tư không xác định được hết trách nhiệm khi đầu tư một dự án bán cho người dân. Chính vì thế, thành phố đang phải tập trung chỉ đạo giải quyết vấn đề này, và trong kỳ họp HĐND thành phố tới, đây sẽ là một nội dung quan trọng được đưa ra, để các cấp, ngành làm rõ, cùng người dân giải quyết”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, UBND thành phố sẽ kiến nghị với Bộ Xây dựng về những bất cập của Thông tư 02; chỉ đạo thực hiện tốt vấn đề quy hoạch, giải quyết các sai phạm chủ đầu tư. Đặc biệt, UBND thành phố đã giao các sở, ngành, UBND các quận, huyện chỉ đạo phối hợp với các chủ đầu tư tổ chức thành lập các ban quản trị; khắc phục tồn tại công tác PCCC xong trước quý III/2018. Đặc biệt, thành phố đã yêu cầu chuyển cơ quan cảnh sát điều tra gần 10 hồ sơ của các chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư.