Nếu được hai viện Quốc hội Mỹ thông qua và Tổng thống ký ban hành luật, đây sẽ là một trong những thay đổi lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ khi mà đăng ký nhập ngũ vốn là nghĩa vụ trước nay chỉ dành cho nam giới...
Giới chức ủy ban trên cho biết trong một phiên điều trần trước Quốc hội, các quan chức quân sự cấp cao tại các binh chủng đều bày tỏ ủng hộ phụ nữ đăng ký quân sự. Trước đó, hồi cuối tháng tư, Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật trên với số phiếu sít sao.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định mặc dù được cả hai ủy ban quân lực của Thượng viện và Hạ viện Mỹ ủng hộ, song dự luật này nhiều khả năng sẽ vấp phải những tranh cãi khi được đưa ra xem xét tại hai viện Quốc hội. Nghị sĩ đảng Cộng hòa Đ.Hăn-tơ (Duncan Hunter), người từng tham gia lực lượng lính thủy đánh bộ tại I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, cho rằng đa số người dân Mỹ không muốn phụ nữ phải đăng ký nghĩa vụ quân sự và không phải ai trong quân đội Mỹ cũng vui mừng khi làm việc cùng với những phụ nữ trong các cuộc chiến đấu. Tư lệnh Hải quân, Ray Mây-bớt (Ray Mabus) và Phó tư lệnh Lục quân, P.Mơ-phi (Patrick Murphy) bày tỏ sự miễn cưỡng khi phải hỗ trợ hoạt động này và nói thêm rằng vấn đề này đòi hỏi phải có “một cuộc tranh luận quốc gia” và có sự can thiệp của cơ quan lập pháp.
Kể từ năm 1973, Mỹ không áp dụng chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Tuy nhiên, toàn bộ nam thanh niên đến 18 tuổi phải đăng ký nghĩa vụ quân sự. Đây là thủ tục để cơ quan quốc phòng nắm được danh sách quân nhân có thể điều động trong trường hợp khẩn cấp. Còn các quân nhân nữ của Mỹ đã bị cấm phục vụ tại các vị trí chiến đấu từ năm 1994 và hiếm khi được xem xét để làm nhiệm vụ ở tuyến đầu từ thời điểm đó cho đến nay trừ một số trường hợp đặc biệt.
Dù vậy, hồi năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo cho phép phụ nữ đảm nhận mọi công việc và vị trí hiện có trong quân đội. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ A.Ca-tơ (A.Carter), sẽ không có ngoại lệ nào cả. Phụ nữ sẽ được lái xe tăng, được bắn đạn pháo, được chỉ huy bộ binh ra chiến trường. Họ cũng có thể gia nhập các đơn vị như: Biệt kích, Mũ nồi Xanh, SEAL của Hải quân, lính nhảy dù của không quân hay bất kỳ vị trí nào mà trước đây chỉ cho nam giới tham gia. Bước đi này sẽ mở ra 220.000 cơ hội việc làm trong quân đội Mỹ cho phụ nữ.
Tổng thống B.Ô-ba-ma (Barack Obama) đã hoan nghênh quyết định trên của Lầu Năm Góc, gọi đây là một "bước tiến lịch sử" và sẽ giúp tăng cường sức mạnh của quân đội Mỹ. Năm 2013, chính quyền Tổng thống Ô-ba-ma đã yêu cầu quân đội bắt đầu từ năm 2016 tiếp nhận phụ nữ cho mọi vị trí chiến đấu, trong đó có bộ binh, pháo binh, binh chủng thiết giáp và các lực lượng đặc nhiệm. Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng cho phép các đơn vị đề xuất xin ngoại lệ. Hiện quân đội Mỹ có tổng cộng 1,34 triệu người, khoảng 15,6% trong đó là nữ giới.
Nhiều ý kiến cho rằng, điều không may mắn nhất với các nữ quân nhân, không phân biệt sự khác nhau trong chính sách về vai trò của quân nhân trong quân đội, từ Ca-na-đa cho đến Mỹ, Ô-xtrây-li-a hay Thụy Điển, là họ thường xuyên phải đối mặt về vấn đề quấy rối tình dục và cưỡng hiếp trong cơ sở quân đội. Trong khi nữ quân nhân vẫn ngày càng dũng cảm với những mối nguy hiểm như những đồng sự nam, nhưng mối nguy hiểm lại đến từ chính những đồng đội nam kề vai sát cánh ở chiến trường. Theo đánh giá của Lầu Năm Góc, chỉ khoảng 10% các vụ tấn công tình dục được báo cáo, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ được báo cáo trong môi trường dân sự. Thế nhưng, số lượng các lời phản ảnh về vấn đề này ngày càng tăng. Trong quân đội Mỹ, đã có 2.908 vụ lạm dụng tình dục được báo cáo có liên quan đến các thành viên thực hiện nhiệm vụ trên chiến trường.
Hồi tháng 3 vừa qua, các binh chủng thuộc quân đội Mỹ đã bắt đầu tuyển dụng phụ nữ cho việc chiến đấu trên chiến trường, bao gồm cả lực lượng đặc nhiệm SEAL của hải quân. Văn phòng quân sự cho biết các căn cứ quân đội đã có một số thay đổi cần thiết về cơ sở vật chất để phù hợp với yêu cầu của nữ quân nhân, như phòng tắm hay phòng ngủ. Ngoài ra, các đơn vị sẽ theo dõi quá trình đào tạo, đánh giá chấn thương, quấy rối tình dục và mâu thuẫn giữa các binh sĩ để đưa ra hướng giải quyết thích hợp.
Các tướng lĩnh quân đội nói rằng, sẽ mất đến 3 năm để binh sĩ nữ có thể làm quen với nhiệm vụ chiến đấu. Họ khẳng định quân đội sẽ không hạ thấp tiêu chuẩn huấn luyện chiến đấu hay các quy định khác để tăng số lượng nữ binh sĩ. Các cơ quan quân sự dự đoán chỉ có số ít phụ nữ tình nguyện tham gia nhiệm vụ và khó có thể vượt qua các khóa huấn luyện trước khi tham gia chiến đấu. Thủy quân lục chiến Mỹ ước tính khoảng 200 nữ binh sĩ sẽ chuyển qua chiến đấu trên mặt đất mỗi năm. Trong khi chỉ huy lực lượng đặc nhiệm nhận định rất ít tình nguyện viên tham gia các nhiệm vụ đặc biệt. Hải quân Mỹ khẳng định đã bắt đầu tuyển dụng những ứng viên nữ tiềm năng cho lực lượng đặc nhiệm SEAL và sẽ sớm nhìn thấy nữ tân binh hay nữ sĩ quan huấn luyện sơ cấp trong tháng 9 và tháng 10-2016.
Hồi cuối tháng 4 vừa qua, quân đội Mỹ chào đón nữ sĩ quan bộ binh đầu tiên trong lịch sử. Để trở thành nữ sĩ quan bộ binh đầu tiên trong quân đội Mỹ, đại úy K.Grít (Kristen Griest) phải trải qua 62 ngày tập huấn cực kỳ nhiều thách thức và gian khổ, mỗi ngày chỉ ăn một bữa và ngủ vài tiếng. K.Grít sắp trở thành người phụ nữ đầu tiên chỉ huy một đơn vị bộ binh chiến đấu.