Chiều 15/9, Hà Nội họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19. Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, hiện thành phố mới chuẩn bị được khoảng 2.000 giường phục vụ cách ly phòng chống COVID-19 tại các khách sạn khi nối lại các đường bay thương mại.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch thành phố Ngô Văn Quý cho biết, nếu mở lại đường bay quốc tế, theo tính toán, ở giai đoạn đầu, mỗi tuần thành phố sẽ có 6 chuyến bay hạ cánh tại sân bay Nội Bài, trung bình khoảng 2.000 người. Hai tuần sẽ có khoảng 4.000 người. Vì vậy phải có khoảng 4.000 giường để phục vụ cách ly. “Thời gian qua, thành phố đã khảo sát các khách sạn, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ. Vì thế, trong thời gian tới cần tiếp tục vận động các khách sạn tham gia”, ông Quý nói.
Tại cuộc họp, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, trên địa bàn hiện có 2 khách sạn tham gia phục vụ cách ly phòng chống COVID-19 ngay từ đầu là khách sạn Hòa Bình và Metropole. Các đại sứ quán, chuyên gia nước ngoài đều đồng tình với việc Việt Nam cho chuyên gia sang làm việc, nhưng phải cách ly để đảm bảo an toàn.
“Khi mở các đường bay thì lượng khách, chuyên gia về Việt Nam nhiều, vì thế, cần tăng cường các cơ sở lưu trú, mở rộng hơn nữa để phục vụ nhu cầu cách ly. Thành phố cần tiếp tục chỉ đạo Sở Y tế, Sở Du lịch và các quận, huyện tiếp tục rà soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ khách sạn đăng ký, chuẩn bị các điều kiện để cách ly phòng chống dịch, tạo điều kiện phát triển kinh tế”, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nói.
Vị này cũng đề xuất với Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội cho phép mở lại phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và khu vực phố cổ, đảm bảo các biện pháp vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Tại cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh đối với thành phố vẫn thường trực, đặc biệt khi mở lại các đường bay. Vì thế, cần coi nhiệm vụ phòng chống dịch là trọng tâm, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của T.Ư, Ban chỉ đạo quốc gia; tiếp tục tuyên truyền phòng chống COVID-19…
Bà Hằng cũng lưu ý, từ tuần tới cho đến tháng 10, Hà Nội diễn ra nhiều hoạt động lớn như Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội; 66 năm Giải phóng Thủ đô; ĐH Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, vì thế, việc mở lại phố đi bộ cũng là tạo điều kiện cho tổ chức nhiều hoạt động lớn. Tuy nhiên, phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
“Các đoàn kiểm tra của Thành ủy sẽ tiếp tục đi kiểm tra đột xuất về phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục quy trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị về công tác này”, bà Hằng nói.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, đến nay, các ổ dịch trên địa bàn thành phố đã kết thúc. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực, có thể có ca mắc mới. Thành phố phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, kiên quyết ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài; việc cách ly người nhập cảnh phải chặt chẽ; đảm bảo thực hiện hiệu quả mục tiêu kép.
Thành phố cũng nới lỏng việc tổ chức các sự kiện tập trung đông người, yêu cầu phải đeo khẩu trang. Các sự kiện mít tinh, tập trung đông người cần thiết phải được sự đồng ý của cơ quan chức năng. Phố đi bộ Hoàn Kiếm được phép hoạt động trở lại từ ngày 18/9. Các cơ sở kinh doanh, sản xuất đông người vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
“Các quán bar, karaoke, vũ trường hoạt động trở lại từ 0h ngày 16/9 nhưng phải đảm bảo công tác phòng chống dịch”, ông Quý nói.
Ông Quý lưu ý lại việc chuẩn bị thêm các phòng tại các khách sạn để đảm bảo phục vụ cách ly, công suất khoảng 5.000 giường mới đủ. Ngoài ra, việc vận chuyển, thực hiện cách ly cần thực hiện nghiêm, không để lây chéo ra cộng đồng… Thành phố ủy quyền cho Sở Y tế và Văn phòng UBND thành phố phê duyệt ngay danh sách người nhập cảnh để thuận tiện hơn trong phòng, chống dịch bệnh.