Tỷ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam cao nhất thế giới: Do đâu?

Quá tin các phương thuốc thần kỳ

TP - Theo Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), tỷ lệ tích lũy ung thư của VN là 14,46%, có nghĩa cứ 7 người dân sống đến tuổi thọ trung bình 75 tuổi, sẽ có một người bị ung thư.
Bệnh viện Ung bướu TPHCM “nổi tiếng” về tình trạng quá tải. Trong ảnh, bệnh nhân nằm tại hành lang bệnh viện vì không còn giường bệnh. Ảnh: Quốc Ngọc.

Cùng lúc mắc 3 loại ung thư

Bác sĩ Nguyễn Đình Châu - khoa xạ trị và xạ phẫu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết về trường hợp của ông T. (52 tuổi) được chẩn đoán mắc cả 3 loại ung thư amydal phải, ung thư hạ họng và ung thư thực quản. Bệnh nhân có tiền sử hút thuốc, uống rượu trong 30 năm.

Tháng 10/2014, ông T. bị viêm loét amydal, nhưng không khàn tiếng, không khó thở hay nghẹn. Kết quả nội soi thực quản, dạ dày và sinh thiết đã đưa ra kết luận “trời giáng” đối với ông T. Ngay lập tức bác sĩ yêu cầu bệnh nhân bỏ thuốc lá, bia rượu và tiến hành hóa - xạ triệt căn cho cả ba loại ung thư.

Theo bác sĩ Châu, sau 5 tháng điều trị, hiện sức khỏe ông T. đã ổn định. Nhưng bệnh nhân vẫn phải tái khám định kỳ 3 tháng để phát hiện ung thư tái phát, di căn. Qua ca này, bác sĩ Châu khẳng định sự phối hợp đa chuyên ngành có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân cùng lúc có nhiều ung thư kết hợp. Đây cũng là một thách thức trong điều kiện hiện nay của các bệnh viện khi đối diện với bệnh nhân ung thư. Về phía bệnh nhân, trường hợp như ông T., gánh nặng tài chính, tinh thần sẽ theo ông và gia đình suốt cuộc đời.

Khác với ca bệnh trên, có người ăn uống, sinh hoạt điều độ nhưng cũng gặp phải u bướu quái ác tại những vị trí “quái ác”.

Chị Lý Mùi X. (47 tuổi, ngụ Cao Bằng) đến Bệnh viện K Trung ương điều trị vào tháng 5/2015 với gương mặt hoàn toàn biến dạng do khối u khủng hai bên má. Khối u lớn đến mức đẩy cả hai mắt lên trán. Bác sĩ kết luận chị X. bị u men răng khổng lồ vùng hàm. Trước đó 20 năm, khối u đã xuất hiện nhưng chừng 5 năm nay cứ to dần, gây biến dạng mặt.

Hiểu biết mơ hồ hoặc niềm tin thái quá

Trao đổi với Tiền Phong, bác sĩ Phạm Xuân Dũng - Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM - cho biết, riêng tại TPHCM, cứ 6 người dân sống đến 75 tuổi sẽ có một người mắc bệnh ung thư, tức tỷ lệ ung thư tích lũy của TPHCM cao nhất so với cả nước. Hàng năm TPHCM tiếp nhận trên 12 nghìn bệnh nhân ung thư mới, trong đó một nửa bệnh nhân từ các tỉnh.

Lý giải vì sao dân chúng cảm thấy “ngày càng nghe người này, người kia mắc ung thư” nhiều hơn so với trước đây, bác sĩ Dũng phân tích: “Do dân số đông hơn và tuổi thọ tăng hơn trước. Ngoài ra, do trình độ chẩn đoán phát hiện của y học ngày càng tiên tiến, giúp phát hiện ca bệnh nhiều hơn trước”. Theo ông Dũng, vấn đề môi trường, lối sống có tác động gây tăng số người mắc ung thư hay không cần phải có những đánh giá kỹ lưỡng, khách quan.

Một vấn đề khá nhiều người Việt Nam quan tâm là điều trị ung thư bằng các phương thuốc gia truyền, nguồn gốc thảo dược. Theo bác sĩ Dũng, trên thế giới có hai quan điểm, một là điều trị thay thế, kết hợp tây y và đông y. Quan điểm khác là bỏ hoàn toàn tây y, chuyển sang điều trị đông y.

“Nhưng chúng ta cần lưu ý vấn đề tiên quyết là một người phải được chẩn đoán chính xác là có mắc ung thư không, sau đó mới có thể bàn đến việc trị dứt bằng phương pháp nào. Đến thời điểm này, có thể khẳng định, chỉ có tây y mới có thể chẩn đoán và đưa ra kết luận chuẩn xác về bệnh lý ung thư. Tỷ lệ chẩn đoán sai rất hiếm vì hầu như ai cũng đi chẩn đoán 2-3 nơi cho chắc ăn”, ông Dũng nói. Theo ông, việc điều trị bằng đông y cũng tốt. Tuy nhiên, hiện có tình trạng quảng cáo quá đà về sự thần kỳ của các phương thuốc này và một số người dân sử dụng quá đà, tất cả đều không nên.