Putin – Trump và những quyết định dậy sóng

TP - Hai tính cách đối lập, bước lên vũ đài chính trị bằng con đường khác nhau và lãnh đạo quốc gia của mình theo những cách phi truyền thống. Những quyết định quan trọng của họ trong năm qua khiến cả thế giới ngỡ ngàng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự Cấp cao APEC 2017 tại Ðà Nẵng. Ảnh: Huffington Post.

Ông Donald Trump liên tục gây sốc

Ngày 20/1/2017, ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ với chính sách “nước Mỹ trên hết”.

Công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel

Trong bài diễn văn tại Nhà Trắng hôm 6/12/2017, ông Trump tuyên bố: “Tôi xác định rằng đã đến lúc chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel”, và “các đời tổng thống trước đưa ra lời hứa trong chiến dịch tranh cử nhưng không thực hiện. Hôm nay, tôi biến điều này thành hiện thực”. Ông Trump nhấn mạnh, quyết định này “tốt nhất cho lợi ích của Mỹ và nỗ lực tìm kiếm hòa bình giữa Israel và Palestine”.

Thế giới sau đó đồng loạt lên tiếng chỉ trích quyết định này. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố trên. 128 phiếu thuận, 9 phiếu chống, 35 phiếu trắng được xem là kết cục thảm bại đối với lợi ích của Mỹ tại Trung Đông.

Ba lần ra sắc lệnh nhập cư

“Tôi đã đi lên từ một doanh nhân thành đạt, một ngôi sao truyền hình hàng đầu để trở thành Tổng thống Mỹ ngay trong lần tranh cử đầu tiên. Tôi nghĩ rằng đó là những điều kiện cho thấy tôi tuy không tài giỏi nhưng là một thiên tài bền vững”, ông Trump tuyên bố trong bối cảnh dư luận Mỹ đang tranh cãi về cuốn sách Lửa và Cuồng nộ: Bên trong Nhà Trắng của Trump của nhà báo Michael Wolff xuất bản ngày 4/1/2018.

Ngày 27/1/2017, ông Trump ký sắc lệnh nhập cư lần thứ nhất. Theo sắc lệnh này, người tị nạn bị cấm nhập cảnh vào Mỹ trong vòng 120 ngày, người tị nạn từ Syria bị cấm vào Mỹ vô thời hạn, trong khi công dân từ 7 quốc gia Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen không được vào Mỹ trong vòng 90 ngày. Sắc lệnh bị các toà án Mỹ chặn đứng.

Ngày 6/3/2017, ông Trump ký sắc lệnh nhập cư lần thứ hai. Sắc lệnh không áp đặt hạn chế nhập cư đối với Iraq và công dân Syria không còn bị cấm vào Mỹ vô thời hạn như sắc lệnh lần thứ nhất. Sắc lệnh lần hai cũng bị thẩm phán và tòa án các bang phản đối.

Tháng 9/2017, ông Trump ký ban hành sắc lệnh cấm nhập cư lần thứ ba, bổ sung Venezuela và Triều Tiên vào danh sách đen. Ngày 5/12/2017, Tòa án Tối cao Mỹ cho phép triển khai toàn diện lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân 6 nước có đa số dân là tín đồ Hồi giáo, trong thời gian chờ các phán quyết liên quan khác của các tòa án cấp thấp hơn.

Sắc lệnh là thắng lợi chính trị đối với ông Trump, nhưng khơi mào cuộc chiến pháp lý gay gắt trong lòng nước Mỹ.

Rút khỏi TPP

Ba ngày sau khi trở thành tổng thống, ông Trump ký sắc lệnh rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với tuyên bố “đó là điều tuyệt vời cho công nhân Mỹ”.

TPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng, bao gồm các vấn đề thương mại và phi thương mại. TPP có quy mô tới 40% GDP toàn cầu. Việc Washington rút khỏi TPP là cú sốc lớn đối với các đồng minh và đối tác quan trọng của Mỹ tại khu vực.

Rời UNESCO

Ngày 12/10/2017, Bộ ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ rời Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) từ năm 2019. Mỹ đóng góp khoảng 80 triệu USD/năm, tương đương 20% ngân sách UNESCO. Bà Heather Nauert, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, nói: “Quyết định này không thể bị xem nhẹ. Nó phản ánh mối quan ngại của Mỹ về những công việc chồng chất tại UNESCO”.

Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova thừa nhận sự rút đi của Mỹ là một “tổn thất đối với Mỹ, tổn thất đối với gia đình Liên Hợp Quốc và tổn thất đối với hợp tác đa phương”.

Tổng thống Putin và sự lựa chọn lịch sử

Cam kết không sửa Hiến pháp (để cho phép ông giữ cương vị tổng thống vô thời hạn), nhưng sẽ tiếp tục tranh cử tổng thống với tư cách ứng viên độc lập, ông Vladimir Putin nhiều khả năng đi vào lịch sử nước Nga khi trở thành tổng thống 4 nhiệm kỳ.

Tái tranh cử tổng thống

“Tôi đã có cơ hội, thậm chí tôi được đề nghị thay đổi Hiến pháp. Nhưng tôi không làm điều đó và tôi cũng không có ý định làm điều đó trong tương lai”, ông Putin nói. Bản Hiến pháp sửa đổi mới nhất (năm 2014) quy định, một người được ngồi vào ghế tổng thống không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Mỗi nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 6 năm. Sau khi đã đảm nhiệm 2 nhiệm kỳ liên tiếp, cách một nhiệm kỳ sau, người đó có thể tiếp tục tranh cử. Ông Putin từng là tổng thống Nga 2 nhiệm kỳ liên tiếp, từ năm 2000 đến 2008, sau đó làm Thủ tướng một nhiệm kỳ 2008-2012.

Trong tuyên bố ngày 6/12/2017, ông Putin nhấn mạnh sẽ tìm kiếm nhiệm kỳ 6 năm mới trong cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng 3/2018.

“Ăn miếng trả miếng”

“Ðúng là tôi đang ở trung tâm của sự chú ý. Nhưng trước đây, tôi cũng đã luôn cố gắng cư xử như thể tôi đang liên tục bị theo dõi. Thật kì lạ, nhưng đó có lẽ là vì công việc trước đây của tôi”, ông Putin nói khi tham gia chương trình tin tức Vremya của đài Channel One, nhân dịp năm mới 2018.

Quan hệ Nga-Mỹ năm 2017 được cho là xấu nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Hai bên liên tục trục xuất cán bộ ngoại giao của nhau và đưa ra những phát ngôn chỉ trích mạnh mẽ. Đỉnh điểm là việc Thượng viện Mỹ thông qua dự luật siết chặt biện pháp trừng phạt chống lại Nga liên quan cáo buộc Mátxcơva can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Ngày 28/7/2017, ông Putin chấp thuận các biện pháp trả đũa mà Bộ Ngoại giao Nga đề xuất. Mátxcơva yêu cầu Washington cắt giảm số nhân viên ngoại giao tại Nga xuống còn 455 người. Quyết định của ông Putin một lần nữa cho thấy Mátxcơva sẵn sàng đáp trả thích đáng những gì mà Washington đi ngược lại lợi ích của Nga trong quan hệ song phương.

Sẵn sàng đáp trả vi phạm Hiệp ước hạt nhân

Tại diễn đàn Valdai được tổ chức ngày 19/10/2017 tại Sochi, ông Putin khẳng định sẽ đáp trả ngay lập tức và tương xứng nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước Hạt nhân Tầm trung. Ông Putin khẳng định, tên lửa của Nga hiện nay đã đuổi kịp Mỹ và sẵn sàng đáp trả nếu Mỹ rút lui khỏi hiệp ước quan trọng này.

Đây được cho là hành động cứng rắn của ông Putin trước động thái đe dọa lợi ích cốt lõi của Nga trong vấn đề sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tuyên bố rút quân khỏi Syria

Ngày 11/12/2017, phát biểu trong chuyến thăm lần đầu tiên tới Syria kể từ khi Nga tham gia cuộc chiến chống khủng bố (ngày 30/9/2015), ông Putin tuyên bố rút một phần “lực lượng quan trọng” ra khỏi Syria. Tuy nhiên, Nga vẫn sẽ duy trì hoạt động của hai căn cứ Tartus và Hmeimim, cũng như trung tâm hỗ trợ tái thiết Syria. Tuyên bố của Tổng thống Putin diễn ra trong bối cảnh quân đội Mỹ chưa có kế hoạch rút quân khỏi Syria.

Theo các chuyên gia quân sự, gây sức ép để buộc Mỹ rút quân khỏi Syria và tạo lợi thế cho các cuộc đàm phán về hòa bình và tái thiết Syria thời hậu chiến là những nguyên nhân chính khiến ông Putin tuyên bố như trên.

Theo Theo Moscow Times, Tass, Reuters, Washington Post