Tờ báo Mỹ cho biết tháng 7 là tháng đầu tiên kể từ khi xung đột bùng phát hồi cuối tháng 2, không có khoản viện trợ nào được các quốc gia châu Âu cam kết chuyển giao cho Ukraine. Đây là dấu hiệu cho thấy “viện trợ quân sự cho Ukraine có thể đang suy yếu”.
Politico cũng cho rằng các quốc gia lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là Đức và Pháp, đã không theo kịp mức độ hỗ trợ quân sự cho Ukraine như Mỹ, Anh và Ba Lan thực hiện.
Trong suốt cuộc xung đột Nga - Ukraine, Viện Kiel đã vận hành công cụ mang tên Theo dõi hỗ trợ Ukraine để liệt kê và định lượng các gói viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo từ cộng đồng quốc tế cho chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Christoph Trebesch – người đứng đầu nhóm Theo dõi hỗ trợ Ukraine nói với Politico rằng dữ liệu từ dự án cho thấy các cam kết viện trợ quân sự của châu Âu cho Kiev đã giảm từ cuối tháng 4.
“Bất chấp xung đột đang bước vào giai đoạn khốc liệt, các sáng kiến viện trợ mới đã cạn kiệt”, Trebesch nói.
Tuần trước, các quốc gia phương Tây ủng hộ Ukraine đã gặp nhau trong một hội nghị ở Copenhagen (Đan Mạch), cam kết viện trợ thêm 1,5 tỷ euro cho Kiev. Nhưng theo Trebesch, con số này “quá ít ỏi so với những gì đã được nêu ra trong các hội nghị trước đó”.
Nhà nghiên cứu khẳng định rằng cuộc xung đột ở Ukraine cũng quan trọng đối với EU như cuộc khủng hoảng nợ châu Âu năm 2009 hay đại dịch COVID-19, vốn cần phải rót hàng tỷ đô la để tiến hành các biện pháp khẩn cấp.
“Khi bạn so sánh tốc độ và quy mô viện trợ của những đợt khủng hoảng này với những gì được cung cấp cho Ukraine thì bạn sẽ thấy nó rất chênh lệch”, Trebesch nói.
Cụ thể, quy mô quỹ khắc phục hậu quả đại dịch của EU là khoảng 800 tỷ euro cho các khoản vay và viện trợ không hoàn lại, trong khi sự giúp đỡ của khối dành cho Kiev chỉ tương đương một phần nhỏ của con số đó.
“Có thể nói rằng khoản viện trợ ấy ít ỏi một cách đáng ngạc nhiên so với những gì đang xảy ra ở Ukraine”, ông nói.