Phút trải lòng của bà trùm ma túy gánh án tử

Mỗi bánh ma túy tiêu thụ trót lọt, Nhung đút túi 10.000.000 đồng. Cứ như thế, người đàn bà tội lỗi này trượt dài trong vòng xoáy chết người từ món hàng quốc cấm.

Phút trải lòng của bà trùm ma túy gánh án tử

> Bi kịch người phụ nữ se duyên cùng trùm ma túy

> Nữ quái đưa vợ chồng Tàng Keangnam vào tù là ai? 

Mỗi bánh ma túy tiêu thụ trót lọt, Nhung đút túi 10.000.000 đồng. Cứ như thế, người đàn bà tội lỗi này trượt dài trong vòng xoáy chết người từ món hàng quốc cấm.

Ngày đứa con trai được đặc xá trở về, sau 6 năm thi hành án tại Trại giam Xuân Nguyên về tội “Giết người” cũng là lúc bà trùm ma tuý Trần Thị Nhung, sinh 1969, ở Trại Chuối, Hồng Bàng, phải lĩnh án tử hình, do đường dây buôn bán ma túy lớn của thị và đồng bọn bị bóc gỡ.

Những ngày tháng cuối cuộc đời trong buồng biệt giam tại trại giam công an TP. Hải Phòng, Nhung mới thực sự day dứt, hối hận về những lỗi lầm đã qua. Nhưng sự kháo khát sống của tâm hồn tỗi lỗi ấy đã quá muộn màng…

Tử tù Nhung trải lòng về lỗi lầm đã qua.

Túng tiền đi… buôn ma tuý

Chúng tôi gặp tử tù Trần Thị Nhung trong căn phòng nhỏ của Trại giam công an thành phố. Nhìn dáng người thị, ít ai có thể hình dung Nhung lại là một bà trùm ma tuý được xếp vào hạng “có máu mặt” ở đất Cảng.

Qua câu chuyện được biết, Nhung là con út trong gia đình có 4 anh em, được cha mẹ cho ăn học hết lớp 12. Sau khi tốt nghiệp THPT, Nhung cũng muốn thi đại học nhưng hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên phải ở nhà đi làm ăn buôn bán.

Năm 22 tuổi, được bạn bè mai mối, Nhung quen rồi đem lòng yêu anh Lương Văn H. sinh 1965, ở phường Thượng Lý, Hồng Bàng. Nhung nhanh chóng trao cái ngàn vàng cho H. mặc dù tình yêu của Nhung và H. không được hai bên gia đình chấp thuận. Rồi Nhung và H. về sống với nhau như vợ chồng, không hôn thú, không tổ chức đám cưới.

Một năm sau, Nhung sinh con trai đầu lòng đúng vào ngày 2/9, nên đặt tên con là Lương Quốc Khánh.

Hai vợ chồng đều không nghề nghiệp ổn định lại có thêm con nhỏ nên kinh tế lúc nào cũng lâm vào tình trạng túng bấn. Khi con được 7 tuổi, Nhung bắt đầu vay vốn anh em rồi ra Móng Cái (Quảng Ninh) nhập hàng ở cửa khẩu về bán lẻ ở các chợ trong nội thành Hải Phòng.

Do chưa có kinh nghiệm làm ăn nên hàng hoá nhập về bị ế ẩm, lỗi mốt, đồng vốn bị thâm hụt, Nhung quay sang buôn bán điện thoại. Sau nhiều đêm ăn chực, nằm chờ ở vùng biên, Nhung gom được các mặt hàng điện thoại, nhưng chủ yếu là hàng lậu, rồi vận chuyển về Hải Phòng để tiêu thụ. Mỗi chuyến làm ăn trót lọt, Nhung cũng kếm được vài triệu đồng.

Thế nhưng, buôn bán điện thoại được thời gian ngắn, Nhung lâm vào nợ nần chồng chất, bởi những chuyến hàng nhập lậu không qua được tai mắt của lực lượng chức năng nên liên tục bị thu giữ. Lãi mẹ đẻ lãi con, số nợ của Nhung lên đến vài trăm triệu đồng, không có khả năng hoàn trả.

Buồn chán cảnh gia đình, chồng Nhung cũng sa vào cờ bạc, trai gái, cuộc sống vợ chồng luôn trong tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, rồi hai người chia tay nhau, đường ai nấy đi.

Năm 2003, Nhung và đứa con trai về nương nhờ nhà mẹ đẻ. Cuộc sống túng bấn, không có nghề nghiệp, Nhung lại bắt xe ra Móng Cái để nhập hàng quần áo về bán lẻ.

Cuộc sống hai mẹ con Nhung không được khá giả cho lắm, nhưng cũng tạm đủ bởi lúc này Nhung biết chi tiêu tằn tiện. Năm 2007, khi Nhung đang nhập dở chuyến hàng tại vùng biên thì thị nhận được hung tin, con trai gây trọng tội giết người.

Lúc đó, Khánh mới 15 tuổi. Tháng 3/2008, Khánh bị kết án 11 năm tù về tội “Giết người”, đồng thời tòa buộc gia đình phải bồi thường cho nạn nhân số tiền 125.000.000 đồng.

Nhìn đứa con tội nghiệp run sợ trên chiếc xe chở phạm mà lòng Nhung đau quặn thắt. Từ ngày con bị bắt, Nhung sống như kẻ mất hồn, tâm trạng rối bời khó tả. Nhung tự nhủ lòng rằng, phải tìm mọi cách để kiếm tiền, đền bù cho gia đình nạn nhân với hy vọng con mình sớm được trở về…

Trong một chuyến làm ăn ở cửa khẩu, Nhung quen người đàn bà tên Hương, ở Hà Đông, Hà Nội. Hương gọi điện thoại hỏi Nhung có biết ở Hải Phòng ai có “hàng trắng” thì Nhung mua và mang sang Trung Quốc bán cho Hương.

Tiền vốn Hương tạm ứng trước cho Nhung 200.000.000 đồng. Cũng qua các mối làm ăn, Nhung quen một người tên Ngân và được Ngân chỉ đường cho Nhung lên gặp Tuấn, nhà ở Hà Đông. Tuấn trực tiếp dẫn Nhung lên Mộc Châu, Sơn La nhập ma tuý với giá rẻ.

Một ngày giáp Tết năm 2010, Nhung bắt xe từ Hải Phòng lên Hà Đông, rồi cùng Tuấn lên Sơn La mua được 1 bánh heroin với giá 160.000.000 đồng. Mua được “hàng”, Nhung trực tiếp mang cho Hương, nhưng do chưa có kinh nghiệm, Nhung mua phải “hàng” kém chất lượng.

Bánh ma túy này, Nhung phải đổi đi đổi lại 5 lần. Sau lần giao dịch với Nhung, Hương tắt máy vì chê hàng xấu…

Bẵng đi một thời gian, Nhung suy nghĩ nhiều về tương lai của mình và con trai. Rồi nghĩ đến món lời từ mua bán trái phép món hàng quốc cấm đã làm Nhung lóa mắt.

Biết được điểm bán ma tuý ở Sơn La với số lượng lớn, giá cả lại phải chăng nên Nhung tính cách nhập “hàng trắng” từ Sơn La về nội thành Hải Phòng để tiêu thụ. Mỗi bánh ma túy tiêu thụ trót lọt, Nhung đút túi 10.000.000 đồng.

Cứ như thế, người đàn bà tội lỗi này trượt dài trong vòng xoáy chết người từ món hàng quốc cấm. Nhung đã gieo rắc “cái chết trắng” cho xã hội, khiến bao gia đình lâm vào cảnh nhà tan, cửa nát vì ma túy…

Và sự day dứt muộn màng

Đầu năm 2011, Nhung gặp Nguyễn Kim Oanh (tức Oanh “cận”) là bạn bè xã hội thân thiết từ trước. Oanh “cận” được Nhung cho vay ít tiền để trả nợ.

Sau đó, Nhung bàn với Oanh lên Mộc Châu, Sơn La nhập ma túy về bán kiếm lời. Để tiện cho việc làm ăn, Nhung còn rủ thêm chị dâu là Hoàng Thị Tuyến, sinh 1963, ở phường Dư Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng và hai cháu ruột con của Tuyến là Trần Đình Chung, Trần Thị Ánh Tuyến cùng tham gia. Oanh “cận” rủ em trai là Nguyễn Mạnh Hùng, sinh 1972, ở C56 Trại Chuối, Hồng Bàng, nhập vào mối làm ăn.

Đường dây mua bán trái phép chất ma túy của Nhung còn có các đối tượng: Phạm Thị Hường, sinh 1983, ở Hà Đông, Hà Nội; Phạm Văn Toàn, sinh 1961, ở khu C2 Cát Bi, Ngô Quyền…

Trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6/2011, Trần Thị Nhung và đồng bọn đã thực hiện trót lọt 29 phi vụ ma túy, với tổng số 33 bánh, trọng lượng trên 10,7kg. Việc làm ăn phi pháp của thị và đồng bọn bị lực lượng công an TP.Hải Phòng phát hiện vào 8h ngày 6/6/2011.

Tại ngã tư Ắc Quy, xã An Đồng, An Dương, tổ công tác Phòng PC47 kiểm tra xe máy của Nguyễn Mạnh Hùng, chở chị gái là Oanh “cận”, phát hiện trong cốp xe có 10 chiếc dép xốp, trong các đế dép có 9 túi nilon đựng 974,68g ma tuý và 1 túi nilon chứa 198 viên ma tuý tổng hợp, trọng lượng 19,03g ma túy “đá”. Oanh “cận” khai số ma tuý trên là do Oanh mang từ Sơn La về giao cho Trần Thị Nhung.

Từ lời khai của Oanh “cận”, cơ quan điều tra tiến hành bắt và khám xét nơi ở của Nhung, thu 1 gói đựng 0,14g ma túy “đá”, 1 bộ dụng cụ sử dụng ma tuý, 1 xe máy, 3 điện thoại di động.

Nhung khai nhận, từ đầu năm 2011 đến khi bị bắt, Nhung và Oanh “cận” đã tổ chức 29 chuyến đi Sơn La, mua của Tráng A Chứ, sinh 1973, ở bản Cô Tang, Loóng Luông, Mộc Châu, Sơn La tổng số 33 bánh ma túy tổng hợp. Trong đó, Nhung trực tiếp lên Mộc Châu 24 chuyến.

Khi đưa được “hàng” về Hải Phòng, Nhung bán với giá 170.000.000 đồng/bánh, mỗi bánh lãi từ 10.000.000 đến 15.000.000 đồng. Ngày 26-4-2013, Nhung cùng đồng bọn phải đứng trước vành móng ngựa của TAND thành phố Hải Phòng.

Với vai trò là người chỉ huy, chỉ đạo toàn bộ việc mua bán ma túy, Nhung đã phải lĩnh mức án cao nhất là tử hình. Trong vụ án này, chị dâu của Nhung là Hoàng Thị Tuyến lĩnh án chung thân. Còn 2 đứa con của Tuyến là Trần Đình Chung và Trần Thị Ánh Tuyết hiện vẫn đang lẩn trốn.

Từ ngày bước chân vào trại giam chờ vụ án đưa ra xét xử, Nhung biết mình khó thoát được cái chết nên sau phiên tòa sơ thẩm, Nhung không làm đơn kháng cáo, bởi cho rằng tòa đã xử đúng người đúng tội.

Nhận mức án cao nhất, Nhung biết cuộc đời mình như thế là đã hết. Bước vào phòng biệt giam của CATP, chờ ngày đưa đi thi hành án, Nhung sống trầm lặng bởi quá ân hận về những việc làm tội lỗi mà mình đã gây ra cho xã hội.

Nhiều lúc Nhung lại khóc vì thương cho đứa con trai vừa được đặc xá trước thời hạn, thương mẹ già đang ở cái tuổi gần đất xa trời, phải chịu đau khổ, dằn vặt vì sinh ra đứa con tội đồ đã gieo cái chết trắng cho đồng loại rồi cuối cùng phải gánh chịu số phận chua xót.

Từ ngày Nhung vào phòng biệt giam, chồng cũ và con trai đã vào thăm Nhung. Gặp người thân, nỗi buồn trong sâu thẳm tâm hồn Nhung lại dâng trào. Hai hàng nước mắt lại lăn dài trên đôi gò má người đàn bà tội lỗi ấy.

Nhung mơ ước: “Nếu như còn được sống ngoài xã hội, mình sẽ làm ăn lương thiện kiếm đủ tiền xây cho con căn nhà nhỏ, để con sớm lập gia đình, ổn định cuộc sống…”.

Còn giờ đây, khi cái chết đang cận kề, Nhung chỉ còn biết ngày đêm niệm Phật, mong đức Phật từ bi cứu khổ cứu nạn. Những bài kinh học được trong những tháng tạm giam, Nhung đọc rất rành mạch và thuộc từng câu chữ.

Nhung bảo: “Cuộc đời mình đã hết rồi, mình tự đẩy bản thân vào cõi chết. Niệm phật ngày đêm sẽ giúp cõi lòng nhẹ nhàng hơn, để rồi ngày mai nếu phải đưa đi thi thành án, sang thế giới bên kia, lòng mình sẽ thanh thản hơn phần nào.

Theo Thành Đồng
Anninhhaiphong

Theo Đăng lại