Phương thuốc nào?

TP - Tính đến thời điểm này, thị trường phim ảnh Việt Nam có sự tham gia của 6 nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, vừa đầu tư phim, vừa đầu tư hệ thống rạp chiếu phim.

Điều đáng lo nhất là các nhà đầu tư Hàn Quốc: CJ CGV (thuộc CJ Group) và Lotte Cinema, hiện đang dẫn đầu về mức độ mở rộng cụm rạp. Họ hiện sở hữu 26 cụm rạp trên tổng số 40 cụm rạp tiêu chuẩn trên toàn quốc, chiếm gần 3/4 “miếng bánh”.?

Trong khi đó, các hãng phim nhà nước vẫn sống dở chết dở. Phương án cổ phần hóa (CPH) để thoát khỏi kiểu làm phim bao cấp đã được đưa ra từ cách đây hàng chục năm. Nhưng đến năm 2010 mới có Hãng phim truyện 1 dám đi tiên phong; 4 hãng phim còn lại gồm Phim truyện VN, Phim Giải Phóng, Phim tài liệu và khoa học T.Ư, Phim hoạt hình.

Khi CPH, nhà nước vẫn là cổ đông lớn nhất, nắm giữ trên 60% cổ phần. “Việc này khiến nhiều cổ đông e dè, không dám đầu tư mạnh vào hãng phim. Vì nhà nước giữ phần lớn cổ phần cũng là có quyền lớn nhất, hạn chế quyền quyết định của nhà đầu tư”, một vị lãnh đạo của hãng phim đang tiến hành CPH thừa nhận.

Nhìn lại Hãng phim truyện 1 được CPH từ năm 2010 nhưng đến giờ vẫn chưa thể tự sống nếu thiếu “bầu sữa” nhà nước. Hãng này gần như chưa tự sản xuất được bộ phim nào thu lợi nhuận từ rạp chiếu.

Trong khi đó, lại phải nói đến nhà đầu tư Hàn. Bộ phim “Để mai tính 2” do CJ CGV là nhà đầu tư chính đã lập nên kỷ lục mới về doanh thu phòng vé với 3,85 triệu USD tại thị trường Việt Nam. Các nhà nghiên cứu còn lo lắng về tình trạng phim Việt đang bị “Hàn hóa” một cách rất chuyên nghiệp bằng cách sản xuất và bán ngay tại Việt Nam.

Trở lại câu chuyện về các hãng phim nhà nước, NSND Đặng Nhật Minh buồn nản: “Tài sản chả có gì. Phương tiện, máy móc làm phim hầu hết đã cũ, chỉ phục vụ phim nhựa mà phim nhựa người ta đã đưa vào bảo tàng cả rồi. Tác phẩm làm ra không bán được cho ai, cơ sở vật chất không hơn hãng phim tư nhân, đội ngũ tan rã, các hãng phim nhà nước đang lâm vào tình trạng nguy nan.

Trong khi đó, hình như tâm huyết, năng lượng để nghĩ về việc làm phim của các nhà làm phim Việt có vấn đề. Mong mỏi của họ khi CPH dường như chỉ thuần túy là thoát nghèo. Đạo diễn Hà Sơn - Hãng phim truyện VN băn khoăn: “Ngay trong đại hội của Hãng phim truyện VN vừa qua, tôi chẳng thấy ai đề cập đến phương hướng hoạt động của hãng phim sau CPH là gì. Chính vì thế, ông than: “Hãy nghĩ CPH hãng phim là để sản xuất phim chứ không phải làm nhà hàng hay xây dựng địa ốc để bán”. Đạo diễn Vương Đức thì lo: “Làm thế nào để có phim hay. Cái đấy mới thực sự khó”.

Cái khó ở đây, như nhiều người trong giới vẫn nói: Thiếu tiền, thiếu cơ chế và cả thiếu tài. Để gỡ, chỉ một động thái mang tính hình thức là CPH sẽ không giải quyết được vấn đề.

Phương thuốc nào cho hệ thống phim nhà nước?