Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa trở về từ Sochi và cam kết sẽ thúc đẩy thương mại song phương sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Bình luận về việc này, 6 quan chức phương Tây giấu tên nói với FT rằng họ “lo ngại về kế hoạch hợp tác thương mại và năng lượng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ”. Một quan chức Liên minh châu Âu (EU) khác cho biết Brussels đang theo dõi “ngày càng chặt chẽ” mối quan hệ giữa Ankara với Mátxcơva, do Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang thúc đẩy nền tảng thương mại với Nga.
Sau cuộc gặp kéo dài 4 giờ với Tổng thống Putin vào thứ Sáu (5/8), ông Erdogan đã hoan nghênh vai trò của Nga trong việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hai quốc gia đặt mục tiêu đạt kim ngạch thương mại song phương 100 tỷ đô la, đồng thời hợp tác chống khủng bố và hướng tới hòa bình ở Libya, Syria.
Ông Putin cam kết rằng Nga sẽ cung cấp dầu, khí đốt và than đá cho Thổ Nhĩ Kỳ "mà không có bất kỳ sự gián đoạn nào", sau khi hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng Ankara sẽ thanh toán một phần lượng khí đốt bằng đồng rúp.
Một quan chức khác nói với FT rằng hành động của ông Erdogan thể hiện “sự tranh thủ”, và nói thêm rằng “chúng tôi đang cố gắng làm cho Thổ Nhĩ Kỳ hiểu được mối quan ngại của chúng tôi”.
Mặc dù là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ năm 1952, và là ứng viên EU từ năm 1987, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ từng nhiều lần đưa ra quan điểm trái ngược với cả 2 khối, gần đây nhất là trong xung đột Ukraine.
Tổng thống Erdogan đã mô tả chiến lược ngoại giao của mình với Kiev và Mátxcơva là "cân bằng" và từ chối trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự của họ. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia NATO duy nhất không áp đặt các hình phạt này.
Ông Erdogan cũng từng giúp dàn xếp một cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine hồi tháng 3, nhưng cuộc họp không mang lại kết quả. Sau đó, Ankara được hoan nghênh vì đã giúp Nga – Ukraine đạt được thỏa thuận về việc nối lại các chuyến hàng ngũ cốc qua Biển Đen. Con tàu chở ngô đầu tiên của Ukraine cách đây vài ngày đã đến Istanbul để các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Nga và Liên Hợp Quốc kiểm tra.
Các quan chức phương Tây nói rằng không có cuộc thảo luận nào ở Brussels về các biện pháp trừng phạt có thể có đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng các nước thành viên có thể giảm hợp tác tài chính hoặc thương mại với nước này.
Mặc dù Washington đã cảnh báo rằng họ sẽ trừng phạt các quốc gia lách lệnh trừng phạt đối với Nga bằng "các biện pháp trừng phạt thứ cấp", nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ hoặc EU sẽ thực hiện bước đi này chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, bất chấp sức ép từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết tâm mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, đồng thời ngăn cản Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO.
Theo FT, Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt. Ankara đã tiếp nhận khoảng 3,7 triệu người di cư từ năm 2015, thay vì để những người này đến châu Âu. Việc này giúp Thổ Nhĩ Kỳ có được một số nhượng bộ từ EU. Vị trí đặc biệt của Thổ Nhĩ Kỳ và tầm ảnh hưởng của nước này tới khu vực Trung Đông cũng có thể là một yếu tố mà phương Tây cần cân nhắc trước khi đưa ra bất cứ đòn trừng phạt nào với Ankara.
Hiện tại, kịch bản duy nhất có thể xảy ra là phương Tây đề xuất các quốc gia riêng lẻ kêu gọi các ngân hàng và tập đoàn của họ rút khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên khả năng xảy ra kịch bản này là không cao, theo FT.
“Có những lợi ích kinh tế rất quan trọng”, một quan chức châu Âu nói. “Tuy nhiên tôi không loại trừ khả năng sẽ có động thái đáp trả nếu Thổ Nhĩ Kỳ đến quá gần Nga".