Sau khi quá trình tự phá hủy được kích hoạt bằng cách biến đổi những protein đặc biệt trong mô ung thư, sự phân chia liên tục bị ngừng lại khiến tế bào ung thư chết hàng loạt thay vì lan rộng khắp cơ thể, Science Alert hôm 8/10 đưa tin. Không giống những phương pháp điều trị ung thư hiện nay, kỹ thuật mới không ảnh hưởng đến tế bào khỏe mạnh.
Nhóm chuyên gia ở Đại học Tel Aviv, Israel, thử nghiệm phương pháp thành công trên chuột và bước tiếp theo là xác định cơ chế có phát huy tác dụng ở người hay không. Kết quả nghiên cứu được công bố hôm 5/4 trên tạp chí Oncotarget.
"Việc phát hiện cơ chế tiêu diệt tế bào ung thư mà không làm hại tế bào khỏe mạnh, từ đó tạo ra bước đột phá trong điều trị ung thư, thực sự khiến chúng tôi phấn khích", Malka Cohen-Armon, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Các nhà khoa học tập trung vào các protein tác động đến cấu trúc và sự ổn định của một bộ phận trong tế bào có tên "trục chính" (spindle). Nhiệm vụ của các spindle là sắp xếp vật liệu di truyền trong quá trình phân bào.
Họ nhận thấy một số hợp chất trong tế bào ung thư tác động đến trục chính, ngăn tế bào ung thư không thể phân chia và lây lan. "Với cơ chế này, tế bào phân chia càng nhanh lại càng bị hủy diệt nhanh. Sớm hay muộn, toàn bộ tế bào ung thư sẽ bị tiêu diệt", Cohen-Armon nói.
Thử nghiệm của nhóm Cohen-Armon trên chuột cho kết quả tích cực với hầu hết các loại ung thư hiện nay, thậm chí cả những loại ác tính nhất. Họ dự kiến nghiên cứu sâu hơn về cách cơ chế biến đổi protein giúp chống lại ung thư vú và ung thư tụy, đồng thời tìm tòi phát triển một loại thuốc chống ung thư hiệu quả.