Cô Nguyễn Thị Tuyết Lan, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 một trường THPT tại Hà Nội chia sẻ: “Học sinh khá sốc, giáo viên bất ngờ khi tiếp cận phương án thi THPT quốc gia năm nay”. Theo cô Lan, Bộ cho rằng, kỳ thi chỉ sửa đổi một chút so với kỳ thi năm trước nhưng rõ ràng, hình thức thi, môn thi thay đổi hoàn toàn.
“Thi trắc nghiệm, sẽ có học sinh trả lời dựa vào may rủi, võ đoán hơn là trí tuệ. Vì vậy, chỉ với 20 câu mỗi môn trong môn thi khoa học tự nhiên (KHTN), khoa học xã hội (KHXH), đặc biệt các môn KHXH thi trắc nghiệm sẽ không đủ cơ sở để đánh giá năng lực của học sinh. Rồi đây, có thể có nhiều giáo viên, học sinh luyện thi theo phương thức thi mới”, cô Lan nói.
Theo cô Lan, Bộ quyết định phương án nào, giáo viên, học sinh cũng phải theo nhưng cô đề nghị, Bộ nên về các trường THPT để lắng nghe ý kiến giáo viên, mong muốn của học sinh rồi mới quyết định.
“Đừng biến học sinh thành vật thí nghiệm, biến giáo viên thành con thoi chạy đuổi các phương pháp dạy học để đáp ứng cho thi cử. Đổi mới là tốt nhưng đổi mới cần có lộ trình, có tham vấn kỹ càng”.
Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An)
Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng, nếu Bộ áp dụng ngay trong năm nay là vội vã, áp đặt đối với cả giáo viên lẫn học sinh.
“Dự thảo vừa ra đời đã vấp nhiều dư luận trái chiều chứng tỏ đây là một dự thảo có vấn đề. Vấn đề là Bộ có nhận ra, có ghi nhận ý kiến góp ý của giáo viên, chuyên gia hay không mà thôi”, thầy Hiếu nói.
Thầy Hiếu cho rằng, nếu Bộ áp dụng hình thức thi trắc nghiệm ở đa số môn thi sẽ đi ngược với chủ trương dạy học chuyển từ nhồi nhét kiến thức sang chú trọng đánh giá năng lực học sinh gần đây. Bởi đề thi trắc nghiệm mới chỉ kiểm tra được kiến thức, mà chưa đánh giá được năng lực tư duy, so sánh, vận dụng, liên hệ thực tiễn của học sinh.
Trong khi đó, đề thi THPT quốc gia 2 năm trở lại đây đã thể hiện rất tốt điều này bằng cách có những câu hỏi yêu cầu học sinh vận dụng, liên hệ thực tiễn, bày tỏ quan điểm cá nhân. Thầy cho rằng, dự thảo tác động tiêu cực đến 3 đối tượng.
Cụ thể, học sinh, phụ huynh hoang mang; giáo viên lúng túng. Sau khi dự thảo ra đời khoảng 1 tuần, trường THPT Chuyên Phan Bội Châu tổ chức họp phụ huynh đầu năm, khi giáo viên thông báo có thể có những thay đổi trong kỳ thi năm nay thì phụ huynh có nhiều phản ứng khác nhau. “Người lo lắng, người bức xúc, có người lại thất vọng vì Bộ thay đổi liên tục phương án thi. Nhiều phụ huynh lo, con họ thành chuột bạch thí nghiệm cho năm nay, năm tới lại tiếp tục thay đổi?”, thầy Hiếu nói.
Phương án thi 2017 có “tuổi thọ” mấy năm?
Thầy Trần Trung Hiếu nhấn mạnh, ba năm thi THPT quốc gia Bộ đều có nhiều thay đổi. Ai dám chắc phương án thi trắc nghiệm, tổ hợp môn như năm nay có tuổi thọ 2-3 năm hay năm tới không phù hợp bộ lại sửa nữa? “Đừng biến học sinh thành vật thí nghiệm, biến giáo viên thành con thoi chạy đuổi các phương pháp dạy học để đáp ứng cho thi cử. Đổi mới là tốt nhưng đổi mới cần có lộ trình, có tham vấn kỹ càng”, thầy Hiếu nói.
GS Đinh Quang Hiển, giảng viên Trường ĐH sư phạm Hà Nội cho rằng, hiện tại ông đang chờ đến tháng 10, Bộ ra đề thi mẫu khi đó mới có thể có ý kiến rõ ràng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại ông băn khoăn hai vấn đề. Thứ nhất, hai bài thi KHTN và KHXH (mỗi bài ba môn) là những bài tự chọn sẽ khiến học sinh tự chọn luôn từ lớp 10. “Điều đó có thể dẫn tới học lệch hay không? Khi học sinh có thái độ học lệch có ảnh hưởng tới mục tiêu giáo dục phổ thông không? Có tác động tiêu cực tới giáo viên dạy môn học không?”, GS Hiển đặt ra nhiều câu hỏi.
Ngoài ra, theo ông Hiển, môn Giáo dục công dân là môn bắt buộc trong trường học đối với bất cứ học sinh nào nhưng theo dự thảo, môn học này được xếp vào môn KHXH. Vậy, những học sinh chọn thi môn KHTN sẽ chẳng cần phải thi. Như thế là không phù hợp nhất là môn học có vai trò trong việc rèn luyện đạo đức, phẩm chất học sinh.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án thi trắc nghiệm, tuy nhiên ông cũng cho rằng, với việc tự chọn thi môn KHTN và KHXH, Bộ cần có phương án để kiểm soát chất lượng dạy học, tránh hiện tượng học lệch.