Phúc thẩm vụ án Việt Á: Phóng viên vất vả tác nghiệp vì chỉ được dùng giấy bút

TPO - Hàng chục phóng viên tác nghiệp tại phiên xét xử phúc thẩm cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, đã bị lực lượng an ninh cấm mang thiết bị tác nghiệp vào phòng xử, chỉ được mang giấy bút chép tay; trong phòng xử, chủ tọa cũng cấm phóng viên ghi âm lời khai bị cáo.

Ngày 15/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của 12 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á.

Đây là vụ án được dư luận cả nước quan tâm ngay từ khi khởi tố, cho đến giai đoạn điều tra, truy tố. Tuy nhiên, khi tác nghiệp tại phiên sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã “phong tỏa” toàn bộ thiết bị tác nghiệp của phóng viên như máy ảnh, điện thoại, máy ghi âm, laptop. Phóng viên tham dự phiên tòa thông qua phòng máy chiếu, song phải dùng giấy bút ghi chép nội dung.

Tương tự, tại phiên phúc thẩm hôm nay, hàng chục phóng viên cơ quan báo chí dự tòa cũng bị cảnh sát cấm mang máy tính xách tay cùng các thiết bị điện tử vào nơi tác nghiệp dành cho báo chí. Tất cả "đồ nghề" tác nghiệp được phép sử dụng chỉ là...giấy và bút.

Chủ tọa Phạm Văn Tuyển cho hay nhà báo hoặc bất cứ ai nếu ghi âm, ghi hình phiên tòa sẽ bị xử lý nghiêm và yêu cầu lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp kiểm soát việc này.

Phóng viên cơ quan báo chí dùng giấy bút ghi chép nội dung phiên tòa, sau đó ra ngoài dùng máy tính gõ lại, truyền tin về tòa soạn.

Liên quan đến vụ án Việt Á, cơ quan điều tra kết luận các bị cáo "móc nối nhau" nâng khống giá kit test. Qua đó, tạo điều kiện cho Công ty Việt Á sản xuất, buôn bán thương mại thu lợi bất chính hơn 1.235 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 432 tỷ đồng.

Đổi lại, Phan Quốc Việt đã đưa hối lộ 106 tỷ đồng cho nhiều người là lãnh đạo, cán bộ của một số bộ ngành. Trong đó, cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận nhiều nhất với 2,25 triệu USD (tương đương hơn 50 tỷ đồng).

Dư luận theo dõi vụ án vô cùng bức xúc khi thời điểm dịch bệnh khó khăn, người dân cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đồng lòng chống dịch, có người đã hi sinh cả tính mạng nhưng ở một "góc khuất", nhóm cựu lãnh đạo của Bộ Y tế, Bộ KH&CN, một số đơn vị chính quyền địa phương đã "cấu kết" để trục lợi, nhận hối lộ.

Phiên sơ thẩm khép lại hồi tháng 1/2024, tòa tuyên 32 bị cáo các mức án từ tù treo đến 29 năm tù giam về tội "Đưa hối lộ" hoặc "Nhận hối lộ", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"....

Sau phiên sơ thẩm, cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cùng 11 người có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên phúc thẩm, ông Long nhận tội, luật sư của ông nêu 3 trường hợp người thân được tặng huân, huy chương, mong tòa xem xét tình tiết mới.

Phan Quốc Việt kháng cáo cho rằng, cơ quan áp dụng giá kit xét nghiệm của Việt Á là 143.000 đồng/test là không đúng. Ông ta lập luận, kit của Việt Á không thuộc danh mục hàng hoá phải áp giá trần như đối với xăng, dầu. Do vậy, giá Việt Á đưa ra hơn 470.000 đồng và các đơn vị mua hoàn toàn là “thuận mua vừa bán”.

Luật sư của Việt cho hay, thân chủ của ông kháng cáo còn vì cơ quan tố tụng quy kết “lợi dụng sức ảnh hưởng của dịch bệnh để trục lợi”, là chưa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh phạm tội…

Trong khi Công ty Việt Á kháng cáo với nội dung đề nghị tòa án cấp phúc thẩm không tịch thu sung công quỹ Nhà nước số tiền được xác định là hưởng lợi bất chính từ việc bán test xét nghiệm cho các tổ chức, cá nhân không bị xem xét khởi tố trong vụ án này.

Còn bà Đàm Thị Trịnh (mẹ của ông Phan Quốc Việt) kháng cáo, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm hủy bỏ kê biên, phong tỏa 52 sổ tiết kiệm trị giá hơn 400 tỷ đồng đứng tên của bà tại các Ngân hàng VIB, BacABank, DongABank và VietinBank.

Bà Hồ Thị Thanh Thủy (vợ ông Phan Quốc Việt) cũng kháng cáo đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm hủy bỏ việc kê biên, phong tỏa 2 sổ/thẻ tiết kiệm đứng tên 2 con của bà và bị cáo Việt với tổng số tiền là 20 tỷ đồng tại Ngân hàng ACB.

Ngày mai (16/5) phiên phúc thẩm tiếp tục xét hỏi và tranh luận.