Phục dựng nỏ thần

TP - Công việc không hề đơn giản. Ngoài các tư liệu cổ phải nghiên cứu, nhóm còn phục dựng lại mũi tên Cổ Loa và nỏ thần Cổ Loa bằng các phương tiện đơn sơ và thủ công nhất.
Thiếu tướng Lê Mã Lương và Thượng úy Phạm Vũ Sơn kiểm tra mũi tên trước khi bắn thử nghiệm.

Sau hai năm nghiên cứu kỳ công, một nhóm cán bộ thuộc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á đã phục dựng thành công nỏ thần Cổ Loa và giải mã được nghệ thuật quân sự Việt Nam cách đây hơn 2.000 năm. Công trình nghiên cứu đã được trao tặng giải nhì Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ X.

Phục dựng thành công nỏ thần bắn nhiều mũi tên cùng lúc

Ý tưởng phục dựng nỏ thần Cổ Loa bắt đầu nhen nhóm khi Bảo tàng LSQSVN được tặng 20 mũi tên đồng 3 cạnh. Đây là số mũi tên được khai quật tại di chỉ Cầu Vực, gần sát chân thành Cổ Loa. Điểm đặc biệt của loại mũi tên này là có 3 cạnh chứ không phải 2 cạnh như nhiều loại mũi tên khác.

Niên đại của chúng vào khoảng 2.000 - 2.500 năm trước, đúng vào giai đoạn xảy ra chiến thắng Cổ Loa. Tuy nhiên, hầu hết khách tham quan đều tỏ ý hoài nghi: Đó có thực là mũi tên đã làm nên sức mạnh thần kỳ, nó được sử dụng như thế nào, có gắn với truyền thuyết về An Dương Vương và thành Cổ Loa của dân tộc ta hay không?

Xuất phát từ thực tế đó, được sự ủng hộ, tạo điều kiện của Thiếu tướng Lê Mã Lương (Giám đốc Bảo tàng  Lịch sử Quân sự Việt Nam), nhóm nghiên cứu do Thượng úy Phạm Vũ Sơn làm đại diện phối hợp cùng TS Nguyễn Văn Việt (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tiền sử Đông Nam Á) bắt tay vào nghiên cứu phục dựng và chứng minh khả năng sát thương của mũi tên đồng Cổ Loa và lẫy nỏ đồng Đông Sơn cách nay 2.000 - 2.500 năm. 

Chiếc nỏ này được phục chế hoàn toàn dựa trên nguyên tắc tôn trọng lịch sử, sử dụng những phương tiện sát lịch sử nhất, không sử dụng phương tiện sắc bén của thời hiện đại. Hình dáng nỏ được tham khảo và dựa trên những sách cổ Trung Quốc và hình vẽ trên đền thờ Angkor Watt và tài liệu La Mã cổ đại liên quan đến nỏ có niên đại trùng với thời An Dương Vương để so sánh.

Nhóm nghiên cứu đã thuê thợ đúc đồng làng Đại Bái (Bắc Ninh) đúc lại mũi tên đồng theo phương pháp thủ công cổ xưa, với tỉ lệ hợp kim đồng - chì - thiếc đúng như đã phân tích từ mũi tên khai quật được. Qua phân tích bằng phương pháp quang phổ, nhóm nghiên cứu tìm ra thành phần cấu tạo của mũi tên đồng Cổ Loa có 95% bằng đồng; chì 3,4 - 4,2%; thiếc 1 - 1,1%.

Với tỷ lệ này, tên được tạo có độ cứng cao, có thể mài, dũa để tạo thành những bộ phận lưỡi, mũi nhọn, sắc, có độ sát thương cao. Thiếc và chì sẽ khiến khuôn đúc mũi tên rất róc, không bị bám dính. Khuôn đúc tên cũng phải chế tác theo chất liệu và kiểu dáng của khuôn cổ chứ không sử dụng các loại khuôn hiện đại.

Kỳ công hơn, theo đúng các ghi chép cổ xưa còn lưu lại, thân mũi tên được làm từ thân cau già chứ không phải bằng tre vì tre có đốt nên bị giới hạn về độ dài. Cau già có độ dẻo, thẳng, không bị cong vênh, co ngót theo thời gian.

Bắn thực nghiệm mũi tên và “nỏ thần” Cổ Loa tại Hà Nội. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN

Trải qua rất nhiều thử nghiệm, nhóm nghiên cứu mới tìm ra tỷ lệ tương xứng giữa thân và mũi tên để đảm bảo mũi tên bay xa và chuẩn nhất. Toàn bộ mũi tên dài 80 cm, đường kính 0,8 cm, nặng 80-100 g.

Dây nỏ được làm từ mây lấy ở Hoà Bình. Để có những dây nỏ đảm bảo chất lượng, nhóm nghiên cứu đã phải đặt nghệ nhân làm nỏ người Mường, Thái vào rừng chọn gai từ mùa trước, sau đó ngâm tẩm và bện thành dây. Cánh mũi tên làm từ mo cau đúng như các ghi chép cổ còn lưu lại.

Kết quả, sau 2 năm miệt mài, nhóm nghiên cứu đã phục dựng được thành công máy bắn nỏ thời Văn Lang- Âu Lạc, có thể bắn nhiều mũi tên cùng một lúc với độ sát thương cao.

Di tích Cổ Loa. Ảnh: Hồng Vĩnh

Vén bức màn bí mật Cổ Loa

“Nỏ thần” sau khi phục dựng xong đã được thử nghiệm tại Hà Nội và Hòa Bình. Kết quả cho thấy, ở khoảng cách từ 80 – 120m, mũi tên phóng đi đạt độ sát thương cao nhất.

Khoảng cách này cũng phù hợp với khoảng cách giữa thành, hào và khoảng cách khi phát động tấn công thành của kẻ thù. Điều đặc biệt là chiếc nỏ có thể bắn ra 10 mũi tên cùng lúc. Trong tương lai, nhóm nghiên cứu có thể nâng khả năng bắn của nỏ này lên nhiều mũi tên hơn cùng lúc với cơ chế bắn liên hoàn.

“Có khả năng trong lịch sử, nỏ thần Cổ Loa là chiếc nỏ bắn liên hoàn, nhờ vậy mới có câu “bách phát bách trúng”. Bách ở đây nên hiểu là thể hiện số nhiều chứ không phải là con số 100 như cách hiểu thông thường” - Thượng úy Phạm Vũ Sơn giải thích.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta xưa nghĩ ra mũi tên 3 cạnh. Các thử nghiệm cho thấy, đường khương tuyến ở các cạnh của mũi tên làm vết thương thoát máu nhanh, gây tổn thất nhanh cho kẻ địch, ngoài ra có thể rút ra sử dụng tiếp chứ không cắm phập như mũi tên 2 cạnh. Việc thiết kế 3 cạnh tạo cho đường tên đi ổn định.

Mũi tên bay dạng xoắn, giảm được tối đa lực cản của gió và không khí. Khi tiếp cận mục tiêu, mũi tên xé rách làm 3 hướng, tăng khả năng sát thương. Ngoài ra mũi tên loại này còn có năng bắn “xiên táo”.

Theo nhóm nghiên cứu, nhiều khả năng đây chính là điểm để tạo nên “sức mạnh thần kỳ” của loại vũ khí này vì nó làm tăng hiệu suất sát thương tiêu diệt quân địch, khiến kẻ thù hoang mang, kinh hoàng trước sức mạnh phi thường của loại vũ khí có hình dáng nhỏ bé.

Ở khoảng cách gần khi không thể bắn bằng nỏ, có thể dùng mũi tên làm vũ khí chiến đấu giáp lá cà rất lợi hại. Tỉ lệ pha trộn đồng - thiếc - chì trong mũi tên Cổ Loa chứng tỏ người xưa đã có những nghiên cứu rất tỉ mỉ, có sự tính toán  khoa học, tạo ra một vũ khí lợi hại, có độ cứng, sắc cao.

Tỉ lệ này cũng tương ứng với tỷ lệ phân tích được trên các vũ khí khác như giáo, mác… Chứng tỏ trình độ luyện kim, trình độ quân sự thời An Dương Vương đã rất cao.

Công trình nghiên cứu của Thượng úy Phạm Vũ Sơn và các cộng sự được Hội đồng chấm giải Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ X đánh giá cao.

"Với việc phục dựng thành công những mũi tên đồng Cổ Loa, chiếc nỏ thần bắn nhiều mũi tên cùng một lúc, chúng tôi đã chứng minh được truyền thuyết An Dương Vương là có thật. Khẳng định được người Việt cổ ở giai đoạn đó đã có sự phát triển nhất định về kỹ thuật luyện kim, kỹ thuật quân sự. Chứng minh được lịch sử Việt Nam không đơn thuần chỉ là truyền thuyết. Ngoài ra, còn giúp khách tham quan khi đến bảo tàng không chỉ xem hiện vật mà còn hiểu sâu sắc giá trị lịch sử của nó."

Thượng úy Phạm Vũ Sơn, Đại diện nhóm nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.