Phú Yên: "Xẻ thịt" đồi, núi để khai thác diatomite

TP - Do buông lỏng quản lý nên hiện nay tại xã An Xuân hằng ngày có hàng trăm người ngang nhiên “xẻ thịt” đồi núi để khai thác quặng trái phép bán cho đầu nậu.
Những hầm hố do khai thác diatomite trái phép có nguy cơ đổ sập vào mùa mưa

Trên địa bàn 3 xã An Xuân, An Lĩnh, An Thọ (huyện Tuy An), đều có mỏ quặng diatomite với trữ  lượng ước khoảng 90 triệu m3. Đây cũng là nơi có mỏ quặng diatomite lớn nhất nước.

Nhà nhà khai thác quặng

Chúng tôi đến An Xuân khi bắt đầu mùa mưa nhưng cảnh khai thác quặng diatomite vẫn diễn ra tấp nập. Đập vào mắt chúng tôi là những ngôi nhà chất đầy bao tải đựng diatomite trước sân, những chiếc xe chất đầy diatomite lặc lè về xuôi.

Tại mỏ Hòa Lộc (An Xuân) Cty Phát triển khoáng sản 5 (TCty Khoáng sản Việt Nam) được cấp phép khai thác mỏ Hoà Lộc 66 ha nhưng chỉ mới khoanh vùng khai thác giai đoạn 1 trên diện tích hơn 4,87 ha.

Cạnh mỏ Hòa Lộc, diện tích còn lại, do Cty chưa thực hiện đền bù đất cho dân nên không quản lý được và các hộ dân ngang nhiên xẻ đất để lấy quặng bán cho tư thương.

Một người dân ở thôn 1 tên là Hương, đang khai thác quặng thẳng thừng: “Đây là đất nhà tui, tui muốn làm gì thì làm, miễn sao đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước là được”. Cũng theo lời chị Hương, cứ mỗi bao khoảng 20kg bán được 2.000 đồng nên chị và gia đình tranh thủ thời gian rỗi cạy “chút đỉnh” để bán kiếm tiền đong gạo…

Không riêng chị Hương, chúng tôi còn chứng kiến hàng chục người đang khai thác quặng trái phép. Hàng chục người khác có đất trong vườn cũng không bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền, bất chấp diện tích đó là đất nông nghiệp, và chấp nhận một thực tế là khi khai thác xong đất sẽ bạc màu, bị thoái hóa không sản xuất được nữa.

Theo dân trong nghề thì nạn khai thác diatomite ở An Xuân mới rộ lên cách đây chừng 5 năm, khi mà diatomite được chế biến để dùng làm chất xử lý môi trường nuôi tôm và thuốc thú y thuỷ sản với nhu cầu lớn. Tại đây, do có trữ lượng khá lớn nên cứ đào bỏ lớp đất mặt chừng 1m trở xuống là có ngay diatomite.

Diatomite đào lên, người ta thuê trẻ em băm nhỏ rồi phơi ngay bên cạnh. Khi vừa khô, chuyển sang màu trắng sữa, được dồn vào bao, đưa về cất giấu trong nhà chờ người đến mua, hoặc bán ngay tại chỗ.

Gần đây, một số hộ dân trong xã còn đặt máy nghiền quặng thành dạng bột, làm tung bụi mù mịt ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Chính vì cung lớn hơn cầu và là nguồn thu nhập đáng kể cho nên vùng bán sơn địa này có hàng trăm người khai thác, chế biến quặng.

Theo thống kê chưa đầy đủ ở An Xuân hiện có 100  người và  30 hầm khai thác quặng trái phép. Có nhiều đầu nậu thuê nhân công và phương tiện máy móc đào hầm diatomite với quy mô lớn. Không những thế tình trạng mua bán, lấn chiếm, tranh chấp đất quặng liên tục xảy ra, gây mất trật tự an ninh.

Chính quyền buông lỏng quản lý

Vận chuyển diatomite đưa về chế biến thành phẩm

Trước tình trạng khai thác trái phép quặng diatomit ngày càng phức tạp, UBND huyện Tuy An và Cty Phát triển khoáng sản 5 đã nhiều lần tổ chức lực lượng phối hợp truy bắt, xử lý tịch thu quặng khai thác, vận chuyển trái phép nhưng vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.

Chủ tịch UBND xã An Xuân Đặng Thanh Sơn nói: “UBND xã đã nhiều lần ra thông báo nghiêm cấm khai thác và mua bán trái phép quặng, cấm xe vận chuyển và các máy xay chế biến quặng nhưng hiệu quả không đáng kể. Lực lượng của xã lại mỏng, thiếu kinh phí nên không đủ sức thường xuyên kiểm tra”.

Người dân ở An Xuân khẳng định, có nhiều quan chức ở đây cũng khai thác quặng trái phép nhưng không được xử lý nên người dân cũng “bắt chước” làm theo.

Có lẽ sự uông lỏng ấy của chính quyền địa phương là nguyên nhân khiến tình trạng khai thác quặng trái phép ngày càng thêm phức tạp. Bên cạnh đó, do không quản lý, thu thuế, nên các tư thương thoải mái thu mua quặng lậu của dân.

Diatomite là tài sản của Nhà nước, để lập lại trật tự trong lĩnh vực khai thác và chế biến diatomite các ngành chức năng phải sớm vào cuộc. Trước hết phải xử lý nghiêm những cơ sở chế biến đã có hành vi vi phạm pháp luật theo Nghị định 150/2004/NĐ-CP, Nghị định 121/2004/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, những  diện tích mà các đơn vị, cơ quan cho thuê hoặc lấn chiếm cần phải được thu hồi, sử dụng đúng mục đích. Cty Phát triển khoáng sản 5 trong gần 5 năm qua  không có khả năng quản lý và khai thác hết diện tích do chưa thực hiện đền bù cho dân.

Đây là kẽ hở để người dân khai thác quặng bừa bãi và gây mất trật tự ở khu vực này. Do vậy nên xem xét thu hồi và giao lại cho các đơn vị khác có nhu cầu khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia, tạo thêm nguồn thu cho địa phương để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh…