Phu vàng đào thoát: Những phần nghìn tia hy vọng

TP - Với những áp bức kinh hoàng ngày qua ngày, nhiều phu vàng nhẫn nhịn chịu đựng, thả trôi tính mạng nơi rừng sâu nước độc, mong mỏi kiếm tiền gửi về quê, nhưng nhiều người khác, chịu không thấu, tính đường đào thoát.
Một công nhân vào hầm khai thác vàng. Ảnh: Nam Cường

“Quy trình khép kín” ở bãi vàng không cho họ nhiều cơ hội tháo thân, bởi họ phải đối mặt với các cai vàng dữ dằn và những thuộc hạ.

Hình ảnh đoàn người rầm rập đi như đoàn quân thất trận ở thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn – Quảng Nam) chiều 3/4 vừa rồi có lẽ là lần hiếm hoi của những cuộc đào thoát mà phu vàng được lên báo chí, truyền hình.

Những cuộc đào thoát kinh hoàng

Chiều 3/4, lần đầu tiên người dân “thánh địa vàng” Phước Sơn chứng kiến cảnh hàng chục phu vàng kéo thành đoàn, “hiên ngang” hô khẩu hiệu vì không chịu được tủi cực, áp bức của chủ bãi. Để tìm đường từ bãi vàng ra được đến thị trấn Khâm Đức, số phu vàng này phải cắt rừng lội suối, vượt qua nhiều ngọn núi cao. Đi bằng đường vạch sẵn mất khoảng 40km, nhưng vì cắt rừng nên quãng đường dài gần 200km.

Nhóm công nhân cho hay, nếu thoát thành công, họ cũng sẽ đi bộ về tới… huyện Thanh Chương (Nghệ An), bởi hầu như không ai còn xu dính túi. Hàng chục năm nay, ở xứ vàng Phước Sơn, những cuộc đào thoát thế này may mắn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trước đó không lâu, cũng tại một bãi vàng ở Phước Thành (Phước Sơn) một nhóm phu vàng gồm 10 người đã thực hiện cuộc đào thoát. Tuy nhiên sau đó bị dụ dỗ đưa qua bãi vàng khác ở Bồng Miêu (Tam Lãnh, Phú Ninh) tiếp tục lao động cực nhọc khổ sai.

Phạm Văn Hảo (17 tuổi) và Phạm Văn Cường (19 tuổi), đều người dân tộc Mường và quê ở thôn Cao Xuân, xã Ngọc Khuê (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) là hai trong số 10 phu vàng trong cuộc đào tẩu may mắn được đưa về Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh Quảng Nam và được Trung tâm đưa về nhà.

Cường kể, ngày 19/2, cả hai cùng 38 lao động khác ở địa phương được một người đàn ông tên Ảnh (sống cùng quê) đưa vào xã Phước Thành, huyện Phước Sơn làm vàng cho chủ vàng tên thường gọi là Năm Lực, với mức lương 4 triệu đồng/tháng nhưng phải làm đủ 6 tháng chủ bãi mới trả tiền.

Sau gần một tháng lao động khổ sai, không chịu đựng nổi cực nhọc nên 10 người tuổi từ 16 đến 22 đã xin chủ bãi về nhà. Dù đồng ý, nhưng họ không cho các em một đồng lót túi để về quê.

Trên đường từ Phước Thành về thị trấn Khâm Đức, các em được một người đàn ông quê Thanh Hóa khác dụ dỗ sang bãi vàng ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tiếp tục làm vàng với nhiều hứa hẹn.

Một phu vàng ở Phước Sơn

Tại Tam Lãnh, các em được phân công làm ca tối từ 18 giờ 30 đến 5 giờ sáng hôm sau mà chỉ cho nghỉ ngơi hơn 1 giờ. “Dù được ông chủ mới hứa sẽ đối đãi tốt, không bắt làm việc nặng, thế nhưng công việc ở đây còn nặng hơn cả ở Phước Sơn. Tụi em phải làm quần quật từ sáng sớm đến tối, rồi cả ban đêm, lúc bệnh chủ cũng không cho nghỉ” - Cường kể.

“Dù được ông chủ mới hứa sẽ đối đãi tốt, không bắt làm việc nặng, thế nhưng công việc ở đây còn nặng hơn cả ở Phước Sơn. Tụi em phải làm quần quật từ sáng sớm đến tối, rồi cả ban đêm, lúc bệnh chủ cũng không cho nghỉ”.

Phu vàng Phạm văn Cường

Làm chưa đầy 10 ngày, các em không còn sức để tiếp tục chịu sự đày ải, Cường, Hảo cùng 8 người bạn bàn cách cắt rừng bỏ trốn. Trưa 27/3, sau khi ăn trưa, nhóm 10 người bắt đầu cắt rừng, băng núi đi miết trong rừng.

Chỉ chờ đến tối đói bụng thì đến nhà dân xin ăn, khát nước uống nước rừng. Đến khoảng 5 giờ chiều 28/3, cả nhóm đến được xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước thì bị người của bãi vàng truy lùng, đuổi đánh.

Trong lúc chạy trốn, Cường và Hảo được người dân cứu giúp, đưa đến công an xã. 8 người trong nhóm cũng trốn thoát, hiện một số đã về quê, số khác tiếp tục đón xe vào Tây Nguyên làm việc.

Theo lời kể của Cường, trong nhóm 40 người từ Thanh Hóa theo chân ông Ảnh vào Phước Sơn làm vàng có khoảng 15 người ngang lứa và nhỏ hơn tuổi Cường, tất cả đều bị các chủ bãi vàng ngược đãi, quát mắng nên họ luôn sống trong lo sợ.

Đa số các em vào Quảng Nam làm vàng đều là người dân tộc Mường, gia đình khó khăn. Riêng trường hợp Cường có đến 9 anh chị em, bố em năm nay 64 tuổi, già yếu không làm được việc kiếm tiền, trong khi đó mẹ Cường cũng bị bệnh nặng.

“Quy trình khép kín”

Chiều 3/4, sau khi “biểu tình”, hô khẩu hiệu “tự do muôn năm”, gần 100 phu vàng nhanh như chớp được “gom” vào trụ sở Cty TNHH Phước Minh. Cổng sắt kéo lại, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Những gì nói với nhà báo trước đó đã không được nhắc lại trong một văn bản vô cùng tròn trịa và được 78 phu vàng nhất loạt ký tên vào.

Sáng ngày 4/4, rất khó khăn để liên lạc hoặc xin làm việc với lãnh đạo huyện Phước Sơn. Phải đến chiều, một số ý kiến ngắn ngủi được phát ra và đương nhiên, vấn đề không phải như những phu vàng nói trước đó.

“Do bất đồng giữa mức lương nên nảy sinh mâu thuẫn” – đó là biên bản kết quả làm việc của Cty TNHH Phước Minh cũng như đại ý câu trả lời của Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Hà với PV Tiền Phong.

Hai nữ phu vàng trong một bãi ở Phước Thành

Còn nhớ năm 2010, khi nhóm PV Tiền Phong xâm nhập vào các bãi vàng ở Phước Thành, dù đã có một phó công an xã dẫn đường nhưng việc vào các mỏ gần như là không thể. Tất cả các mỏ đều “hiện đại hóa” bằng lướt sắt B40, kín cổng, bảo vệ trực ngày đêm. Muốn vào mỏ, phải có giấy phép của “ông chủ” - đó là lệnh.

Với “quy trình khép kín” đó, những cuộc trốn thoát kinh hoàng nhưng đa phần không may, đều quay trở về với mỏ; những khổ sai cơ hàn, bị đánh đập như lời kể của Quang Văn Tùng (ở bài trước) không phải là chuyện lạ.

Hôm qua, ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho hay, sau khi sự việc xảy ra, huyện đã lên danh sách, lập 2 đoàn kiểm tra vào Phước Thành. Một đoàn là của phòng LĐTB&XH cùng Công an huyện vào kiểm tra tại các bãi của Cty TNHH Phước Minh. Đoàn còn lại của phòng TN-MT cùng lãnh đạo huyện, kiểm tra toàn diện các bãi khác.

“Báo cáo có hơn 5 ngàn người đang lao động khai thác vàng nhưng con số đó phải kiểm tra lại. Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi xác minh độ tuổi vì đa phần phu vàng đều không có CMND. Họ bảo để ở nhà hoặc do chủ bãi đã bảo lãnh rồi. Khó mà xác minh có nằm trong độ tuổi lao động hay không” - ông Hà cho biết.

Sau lần kiểm tra, truy quét này, vụ việc lại sẽ được báo cáo lên tỉnh, chờ xử lý. Còn Thượng tá Đào Quang, Trưởng, Công an huyện Phước Sơn cho hay, các công nhân của Cty TNHH Phước Minh khi được hỏi đều lắc đầu, cho biết không có chuyện đánh đập hay ngược đãi. “Các phu vàng không nói, làm sao mà xử lý được?” - Thượng tá Quang nói.

Khi được hỏi tình hình nóng bỏng xứ vàng Phước Sơn không mới, xảy ra nhiều chuyện đào thoát rồi tố cáo ngược đãi bao nhiêu năm qua, làm cách nào xử lý triệt để? Thượng tá Đào Quang cho biết, chưa bao giờ có đơn tố cáo hay có tố cáo nào từ phu vàng tới công an thì rất khó để mà xử lý. Được biết những phu vàng đều trình độ thấp, có rất nhiều người không biết chữ…

Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Hà, cho hay, lần kiểm tra này sẽ truy quét mạnh tay, kiểm tra toàn diện các doanh nghiệp được cấp phép, gần hết phép nhưng có dấu hiệu làm chui.

“Nếu phát hiện dấu hiệu sai phạm, như ngược đãi lao động, sử dụng lao động vị thành niên…, ngay lập tức giao công an xử lý” – ông Hà nói.

Còn ông Nguyễn Thành Khả, Chánh thanh tra Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Nam cho biết: Hiện tại Công an huyện Phước Sơn và phòng LĐTB&XH huyện đang tiến hành kiểm tra làm rõ sự việc. Hiện huyện vẫn chưa có báo cáo cụ thể cho Sở nên chưa biết thế nào mà xử lý.