Phù phép 'vùng đất bị bỏ rơi' bên bờ sông Hồng

TPO - Sau khi được chế tác thành không gian nghệ thuật, bãi rác Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trở thành địa điểm lý tưởng cho du khách tham quan, đặc biệt những vị khách nước ngoài khó tính, muốn tìm hiểu, nhìn sâu vào lịch sử, văn hóa Thăng Long - Kẻ Chợ.

Hội những người bạn di sản Việt Nam (Friends of Vietnam Heritage, FVH) là tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hà Nội hoạt động phi lợi nhuận với mục đích nghiên cứu, bảo tồn và quảng bá các di sản văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Hoạt động “Đi bộ khám phá di sản Hà Nội” là chương trình quan trọng nhất của hội và địa điểm được chọn lần này là không gian nghệ thuật tại bãi rác Phúc Tân. Đặc biệt, trong đoàn khám phá lần này có sự xuất hiện vợ chồng Đại sứ Vương Quốc Anh, Gareth Ward cùng với nhóm giáo sư trường đại học RMIT…

Đoạn đường ven sông Hồng tại phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) vốn được biết đến là nơi tập kết nhiều loại rác thải. Qua đôi bàn tay của các nghệ sĩ với 16 tác phẩm trở thành một không gian văn hóa nghệ thuật nổi bật vào ban ngày, rực rỡ vào ban đêm cùng với những câu chuyện kể về Thăng Long - Kẻ Chợ.

Về những câu chuyện trong những tác phẩm, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, người chuyên kể chuyện ký ức Hà Nội, cũng chính là người hướng dẫn viên cho đoàn khách Tây đặc biệt này chia sẻ: "Khu Kẻ Chợ 36 phố phường được hình thành lên từ nơi giao thương của các vùng miền chung quanh Hà Nội, trong đó, bãi Phúc Tân, bãi Phúc Xá là những bãi bến thuyền lớn ở chân cầu Long Biên hồi bấy giờ. Người dân ở đây có khi đã lãng quên hoặc không biết về nó, dự án sẽ gợi lại không gian, những ký ức và nhắc nhở đến thực trạng về những dòng sông chạy qua thành phố".

Những tác phẩm nổi bật như "Thuyền" của nghệ sĩ Vũ Xuân Đông làm từ 10 nghìn vỏ chai nhựa, “Gánh hàng rong” của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn làm từ sắt phế thải và inox gương ánh vàng ánh bạc. Chiếc thuyền dài 7 mét, được ghép từ 5.000 mảnh gương, nặng 400kg của nghệ sĩ Cấn Văn Ân phản chiếu cầu Long Biên.

Bà Stella Ciorra, một thành viên trong đoàn khách cảm thấy rất vui khi được khám phá khu bãi rác Phúc Tân này: “Tôi gửi lời cảm ơn vì đã có một buổi tối tuyệt vời, tôi sẽ dẫn bạn bè, cũng như sinh viên trường đến đây”.

Anh Sơn, người kể chuyện cũng rất vui khi nhận được những lời phản hồi tích cực. “Tôi rất vui khi mọi người hiểu và trân trọng những nỗ lực của mình, tôi mong muốn nhiều người đến xem hơn nữa, đặc biệt là du khách nước ngoài. Còn người dân ở đây họ rất tự hào về dự án, họ vui với sự thay đổi môi trường cảnh qua. Bãi rác xe rác tự phát được dân dọn dẹp, các chậu hoa, chậu cây được thay thế bằng lốp xe tái chế. Ở đây môi trường được thay đổi một cách rõ rệt”, anh Sơn chia sẻ.

"Tour đặc biệt" dành cho những vị khách Tây khám phá ký ức Thăng Long - Kẻ Chợ qua không gian nghệ thuật tại bãi rác Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
 Đoàn tham quan lần này là những thành viên trong Hội những người bạn di sản Việt Nam (Friends of Vietnam Heritage, FVH) Friends of Vietnam Heritage, FVH) là tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hà Nội hoạt động phi lợi nhuận với mục đích nghiên cứu, bảo tồn và quảng bá các di sản văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
 Đặc biệt, trong đoàn có sự góp mặt của vợ chồng ông Gareth Ward-Đại sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam.
 
Hướng dẫn viên là anh họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cũng chính là giám tuyển dự án này đồng thời là tác giả của tác phẩm tham dự, người chuyên kể chuyện kí ức Hà Nội.
Tác phẩm "Ngựa sắt đương đại" từ hai hiệp sĩ đi xe máy (ngựa sắt) dùng vũ khí tiêu diệt 2 con mãng xà tạo từ khí thải của chính 2 con ngựa sắt của họ (và chúng ta) tạo ra. Vẽ màu dầu và nét trên hai mặt sắt cắt laser. Tác phẩm đặt trên tường từ độ cao 1.6m. Kích thước: 5m x 2.5m
Những vị khách Tây cảm thấy thích thú, hứng khởi khi được tham quan, nghe những câu chuyện về kí ức một thời Thăng Long - Kẻ Chợ.
 
Tác phẩm “Nhà nổi” của nghệ sĩ Đăng Ninh kể lại lịch sử nhà ven sông xuất phát từ những thùng gỗ.  Hơn 20 thùng phi sắt sơn màu sặc sỡ, khoét cửa sổ, tạo hình thành những chồng nhà nổi. 
Chiếc thuyền dài 7 mét, được ghép từ 5.000 mảnh gương, nặng 400kg của nghệ sĩ Cấn Văn Ân phản chiếu cầu Long Biên.
16 tác phẩm sắp đặt theo địa hình, biến bãi rác Phúc Tân thành điểm đến hấp dẫn giới trẻ và du khách tò mò với lịch sử của “vùng đất bị bỏ rơi” bên bờ sông Hồng.