Khu vực chợ Kim Biên quận 5, Chợ Lớn quận 6, cầu vượt Gò Dưa, quận Thủ Đức, TPHCM khá đông các tiệm sửa cân. Khi khách lạ đến yêu cầu “độ” cân đa phần các tiệm này từ chối. Tuy vậy nếu được người quen giới thiệu các tiệm này sẵn sàng làm.
1kg ăn 0,1kg; 1 tấn ăn 10kg
Tại tiệm chuyên mua bán, sửa chữa cân TT, chợ Kim Biên, chúng tôi mang chiếc cân loại 1 kg đến yêu cầu tăng thêm 100gram. Nhìn khách một lượt từ trên xuống, ông chủ tiệm tên Ba chỉ vào trong. Hiểu ý chủ, một người thợ ở đây nhanh miệng: “Anh làm gì thì vô đây nói em làm cho”.
“Tiền công ba chục đấy”, thanh niên này nói thêm: “Cái này em làm chứ anh đụng vô là gãy kim ngay”. Sau đó, anh này nhanh chóng cắt chì niêm phong, tháo bung chiếc cân ra.
Sau khi tra ít dầu bôi trơn và tháo chiếc lò xo của cân ra, người này dùng chiếc kìm mỏ nhọn vặn xoắn nhiều lần. Cuối cùng, đặt lên bàn cân một cục sắt nặng 1kg, cân nhảy lên 1,1kg, người thanh niên này nói: “Xong, một ăn một ký mốt”.
Cả công đoạn chưa đầy 10 phút. Không chỉ độ cân đồng hồ, tiệm này còn nhận độ lại cân điện tử. Anh thanh niên độ cân ban nãy nói: “Nếu nhiều không được chứ cân điện tử loại 1 tấn thì ăn gian 10 ký lô là chuyện nhỏ. Nếu anh mua sẽ làm luôn”.
Vào tiệm bán cân H.H trên đường Hải Thượng Lãn Ông, Q.5. Tại đây có vài chục chiếc cân cũ, mới đủ loại và nhãn hiệu. Chiếc nào cũng còn nguyên mối chì trông rất tin tưởng.
“Nếu em mua loại 1 tạ, chỗ chị khuyến mãi làm non cho em không tính tiền. Nhưng đừng ăn nhiều quá, khách giờ họ cũng tinh mắt lắm”- bà chủ tiệm tên Hồng dặn.
Nếu mang cân tới đây, giá “độ” là 50 ngàn đồng. Khi chúng tôi đến, tiệm bà Hồng có 2 thợ đang cặm cụi “độ” lại cân cho 2 người khách nữ. Hai chiếc cân này sau khi ngã giá với chủ đã được thợ ở đây làm luôn. Nhìn chiếc cân loại 100kg mới nguyên, chì niêm phong gắn lại như mới, khó ai biết được nó đã được “phù phép”.
Người thợ trong tiệm sau khi hỏi khách “độ” lên hay xuống, đã nhanh chóng mở ốc vít, cắt chì niêm phong của chiếc cân. Sau đó lôi từ trong chiếc cân này ra 2 chiếc lò xo. Sau vài động tác mài, dùng kìm xoắn, vặn lò xo, anh này lắp vào chiếc cân.
Đặt một cục sắt loại 1kg lên, cân nhảy kim 1,2kg, anh này nói: “Chính xác luôn. Ăn được 2 lạng. Khi nào chị muốn độ hạ xuống thì tới em làm luôn. Khách quen nên giá hữu nghị hơn”. Toàn bộ quy trình này chưa đầy 20 phút. Sau đó anh này hàn chì lại, cho cân vào thùng đưa cho khách.
“Phù phép” cân hiện đại
Một người chuyên sửa cân, giờ đã nghỉ cho biết, thị trường cân độ không chỉ lặt vặt ở mấy chiếc cân đồng hồ như vậy. Cân độ còn tinh vi và nhộn nhịp ở các loại cân bàn, cân điện tử với giá độ lên tới cả triệu đồng.
Tại tiệm A.T ngay chân cầu vượt Gò Dưa, quận Thủ Đức, chủ tiệm cho biết cân đồng hồ là dễ “bùa” nhất nên giá làm rẻ. Còn cân điện thử phải lập trình lại, gắn chíp nên giá thành không hề thấp, chỉ chủ vựa lớn mới đặt làm. Giá làm cân điện tử của tiệm A.T loại 1 tấn là 5 triệu, 500kg là 3,5 triệu. Chủ tiệm này cho biết khi mang chiếc cân điện tử đến thợ sẽ gắn thêm chíp, bo mạch điện tử và những thứ khác nữa vào chiếc cân.
Sau đó sẽ đưa cho chủ cân một remote nhỏ chừng 3 ngón tay, bỏ túi được. Khi cân hàng, dù đứng cách xa chiếc cân đến 5m nhưng nếu muốn cân tăng hoặc giảm thì chủ cân đều có thể làm được. “Ăn tiền là chỗ này. Cân vặn lò xo xưa rồi, chỉ kiếm vài trăm ngàn uống nước”- ông này ra vẻ tự hào.
“Chỉ cần một chuyến hàng thôi là chủ cân lấy lại gấp mấy lần. Làm ăn lớn thì phải chịu chi thôi”. Câu này có vẻ phù hợp khi khách đến làm đa phần là buôn bán thép, vải, nông sản, vựa trái cây, gỗ. Và nhờ kiểu làm ăn vừa lớn vừa “láo” thế này xem ra những tiệm sửa cân còn lâu mới thất nghiệp.
Năm 2009, Chính phủ ban hành về việc xử phạt hành chính với những trường hợp đo lường và chất lượng của hàng hóa để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Theo đó, người sử dụng cân gian sẽ bị phạt tiền từ 300-500 ngàn đồng. Nếu tái phạm sẽ tăng lên cao hơn từ 4-7 triệu đồng. Nếu có dấu hiệu lừa dối khách hàng thì sẽ bị cơ quan chức năng khởi tố hình sự và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Minh Trí