Hiện nay, các nguyên nhân vụ phóng tên lửa thất bại vẫn đang được điều tra, nhưng nhiều khả năng là do không may hơn là không đủ năng lực.
Tên lửa Trường Chinh 5 là thành viên mới nhất và lớn nhất của hạm đội tên lửa của Trung Quốc. Nó được phóng lên từ từ Trung tâm vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc, mang theo Sijian-18, một vệ tinh truyền thông thử nghiệm và vệ tinh nặng nhất Trung Quốc từng được chế tạo.
Một giờ sau khi phóng lên, chính phủ Trung Quốc tuyên bố vụ phóng không thành công và tên lửa này đã lao xuống Thái Bình Dương.
Các nhà chức trách vũ trụ Trung Quốc cho biết, nguyên nhân vẫn đang được điều tra. Đây là vụ phóng tên lửa thất bại thứ hai của Trung Quốc trong vòng chưa đầy hai tuần.
Vào ngày 19/ 6, một tên lửa CZ-3 được phóng lên từ Trung tâm Vệ tinh ở Tứ Xuyên đã thất bại trong việc đưa một vệ tinh phát sóng truyền hình lên quỹ đạo.
Tên lửa Trường Chinh của Trung Quốc đã được biết đến với độ tin cậy cao. Thất bại này là rất hiếm, và hai vụ phóng tên lửa thất bại liên tiếp gần nhau cũng là chưa từng có.
Tiến sĩ Morris Jones, một chuyên gia vũ trụ có trụ sở tại Australia cho biết: "Hai lần phóng thất bại xảy ra với hai loại tên lửa khác nhau và có lẽ vì những lý do khác nhau. Không có sự liên quan giữa hai thất bại này.”
Ông Jones cũng cho biết, các quốc gia khác đôi khi cũng có những nhóm thất bại tương tự. Đây chỉ là một điều không may mắn.
Sự thất bại của Trường Chinh 5 sẽ làm trì hoãn sứ mệnh thăm dò Mặt trăng của Trung Quốc và có thể là cả trạm vũ trụ Trung Quốc bởi vì cả hai dự án đều phụ thuộc vào các phương tiện chuyên chở hạng nặng.
Trung Quốc đã lên kế hoạch phóng tàu vũ trụ Hằng Nga 5, một phi thuyền không người lái lớn lên Mặt trăng vào cuối năm nay. Nhiệm vụ của nó là đặt một rông - đen ở mặt tối của Mặt trăng và mang về các mẫu đá và đất.
Tiến sĩ Jones cho biết: "Tôi không tin rằng nhiệm vụ đưa tàu vũ trụ Hằng Nga được thực hiện vào cuối năm nay, theo dự kiến ban đầu.”
Giáo sư Wang Jianyu, chỉ huy trưởng dự án vệ tinh lượng tử của Trung Quốc, người tham gia vào các chương trình thăm dò mặt trăng cũng đồng ý như vậy. Ông nói: “ Việc trì hoãn là có thể. Tên lửa không thể bay cho đến khi chúng tôi tìm ra vấn đề và giải quyết nó, và điều đó sẽ cần thời gian. "
Lần phóng đầu tiên của Trường Chinh 5 được thực hiện vào năm ngoái và thành công. "Đổi mới trong khoa học và công nghệ thường đi kèm với thất bại. Việc điều tra vụ tai nạn này sẽ được tiến hành triệt để và cởi mở ", ông Wang nói.
Khi tên lửa Trường Chinh 5 có thể phóng nhiều vệ tinh Beidou trong một lần, nó có thể giúp Trung Quốc hoàn thiện kế hoạch đưa lên hàng chục vệ tinh định vị để thiết lập phạm vi phủ sóng toàn cầu vào năm 2020.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng có kế hoạch hoàn thành việc xây dựng trạm không gian đầu tiên của mình vào đầu thập kỷ tới, nhằm thay thế Trạm vũ trụ Quốc tế đã đến lúc nghỉ hưu. Mô-đun lõi của trạm không gian Trung Quốc dự kiến ra mắt vào năm 2019.