Phòng CSGT cấp giấy đi đường cho 30% cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí

TPO - Về số lượng giấy đi đường được cấp cho mỗi cơ quan báo chí, đại diện PC08 Hà Nội cho biết, không quá 30% số lượng nhân sự mà mỗi cơ quan báo chí đang có.
CSGT thực hiện quyét mã giấy đi đường tại các chốt cửa ngõ. Ảnh: Trọng Đảng

Khóa chặn các vùng với người, xe không giấy ra đường

Tại cuộc họp chiều nay 4/9, lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội đã nghe đại diện liên ngành Hà Nội báo cáo về tiến độ thực hiện lập 21 chốt cấp thành phố và 9 chốt cấp quận, huyện để kiểm soát người và phương tiện khi thành phố chia thành 3 vùng để phòng chống dịch.

Với 21 chốt kiểm soát của thành phố, đại diện Công an Hà Nội cho biết, đã cơ bản xong việc lập chốt theo hành lang phân vùng gồm: Vùng 1 (vùng đỏ các quận nội thành), vùng 2 (vùng cam quận Long Biên và các huyện phía Bắc), vùng 3 (vùng xanh, các huyện phía Nam và Tây Nam) . Đến trưa nay, các chốt trực cũng đã huy động, bố trí đủ nhân sự, gồm CSGT, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Thanh tra giao thông, y tế, quân đội. Sau khi nhân lực được bố trí đầy đủ, trong ngày hôm nay, tuy chưa thực hiện kiểm soát phương tiện theo Chỉ thị 20 (phân 3 vùng) nhưng lực lượng tại các chốt đã thực hiện giám sát, kiểm tra, xử lý người và phương tiện ra đường không có lý do chính đáng.

Với công tác phân vùng, tổ chức giao thông, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở GTVT đã có phương án tổ chức giao thông hướng dẫn đi lại giữa các vùng khi thành phố thực hiện công tác phòng chống dịch theo hình hình mới. Trong đó, từ 6/9, người và phương tiện “được phép mới ra đường” di chuyển từ vùng 1 sang vùng 2 và ngược lại đi qua 6 chốt kiểm soát cứng, có lực lượng chức năng kiểm soát, gồm: Cầu Thăng Long, Cầu Nhật Tân, Cầu Long Biên, Cầu Chương Dương, Cầu Vĩnh Tuy, Cầu Thanh Trì.

Đối với người và phương tiện (thuộc đối tượng “được phép mới ra đường”) đi từ vùng 1 ra vùng 3 (vùng xanh) và ngược lại thông qua các chốt cứng tại: Cống Liên Mạc, cầu Diễn, cầu Xuân Phương, cầu Ngà, cầu sông Đáy, cầu An Lạc, Cầu 72II, cầu Cù Sơn, cầu Tân Phú, cầu Mai Lĩnh, Ngã ba đê Tả Đáy, cầu Thạch Bích, cầu Khe Tang, cầu Qua, cầu Quán Gánh, Ngã ba đê Hữu Hồng - trạm bơm Hồng Vân.

Các chốt thực hiện khóa chặn với người và phương tiện không thuộc đối tượng “được phép ra đường” bắt đầu từ 6h ngày 6/9/2021.

CSGT cấp giấy đi đường cho cán bộ, phóng viên báo chí

Để thống nhất từ công tác cấp giấy đến công tác giám sát, kiểm tra trên đường, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đồng ý đề xuất của liên ngành giao cho Phòng CSGT Hà Nội (PC08) chịu trách nhiệm tiếp nhận, cấp giấy đi đường cho cán bộ, phóng viên cơ quan báo chí làm trên địa bàn Hà Nội.

Liên ngành Cảnh sát - Thanh tra giao thông kiểm soát phương tiện tại chốt Phù Đổng.Ảnh: Trọng Đảng

Chiều nay, trao đổi với PV Tiền Phong đại diện lãnh đạo PC08 Hà Nội cho biết, người được cấp giấy đi đường là phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các cơ quan báo chí, truyền thông phục vụ nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao; đưa tin hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố, công tác phòng chống dịch, cán bộ trực cơ quan.

Về thủ tục cấp giấy đi đường này, đại diện lãnh đạo PC08 Hà Nội cho biết, từ danh sách cán bộ, phóng viên cơ quan báo chí đã gửi và được Công an các phường sở tại (qua công an khu vực) thẩm định, gửi lên, PC08 sẽ đối chiếu quy định của thành phố để thực hiện cấp giấy đi đường. Ngoài các thông tin cá nhân, thông tin cơ quan, trên giấy đi đường do PC08 cấp còn có mã nhận diện (QR code) cho từng cá nhân, phương tiện theo hồ sơ và được lưu trên hệ thống mạng của CSGT.

Về số lượng giấy đi đường được cấp cho mỗi cơ quan báo chí, đại diện PC08 Hà Nội cho biết, không quá 30% số lượng nhân sự mà mỗi cơ quan báo chí đang có.

Từ danh sách các phường sở tại gửi lên, Phòng CSGT sẽ thực hiện cấp giấy đi đường thông qua hình thức trực tuyến, cơ quan báo chí sẽ nhận giấy đi đường có mã nhận diện (QR code) thông qua địa chỉ mail cơ quan.