Do vậy, người bệnh không nên chủ quan và chần chừ đi khám bệnh khi có các triệu chứng về bệnh này.
Về nguyên nhân: có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm cầu thận mạn, trước tiên phải kể đến do viêm cầu thận cấp không phát hiện hoặc không được điều trị đến nơi đến chốn hoặc do mắc bệnh viêm cầu thận có hội chứng thận hư hoặc sau khi mắc một số bệnh như luput ban đỏ hệ thống. Viêm cầu thận mạn có thể do tổn thương cầu thận bởi bệnh lý mạch máu ở thận và một số cơ quan khác ảnh hưởng đến thận. Bệnh viêm cầu thận mạn tính cũng có thể xảy ra ở những bệnh nhân mắc chứng xuất huyết dạng thấp (bệnh Scholein-Henoch), bệnh rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường). Ngoài ra, mắc bệnh do virút viêm gan B, C cũng có thể gây biến chứng viêm cầu thận mạn, tuy nhiên tỉ lệ thấp.
Một số trường hợp viêm cầu thận mạn cũng có thể là hậu quả của viêm cầu thận cấp do viêm màng trong tim bởi vi khuẩn liên cầu nhóm D hoặc viêm họng bởi vi khuẩn liên cầu nhóm A (S. pyogenes). Một số viêm cầu thận mạn có thể do mắc bệnh sốt rét, giang mai, bệnh phong (hủi). Viêm cầu thận mạn tính có thể là hậu quả của bệnh sốt rét hoặc bệnh giang mai hoặc bệnh phong (bệnh hủi). Ngoài ra, viêm cầu thận mạn tính cũng có thể do mắc các bệnh ác tính như: bạch cầu cấp, bạch cầu mạn tính hoặc bị ngộ độc bởi một số kim loại nặng (nhiễm độc muối vàng). Tuy vậy, có một số trường hợp viêm cầu thận mạn tính không rõ nguyên nhân.
Một số biểu hiện: đầu tiên là người bệnh thấy nước tiểu màu sẫm, có màu váng sắt hay nước tiểu màu nâu do có máu trong nước tiểu (tiểu máu), một số trường hợp nước tiểu có bọt. Song song với tiểu máu là có phù nhẹ, sau đó mức độ phù tăng lên và hay tái phát do tiến triển xấu của bệnh. Cùng với các triệu chứng đó là tiểu ít (cả về số lần đi, cả về số lượng nước tiểu). Khi bệnh nặng lên thì tiểu ít càng rõ (thiểu niệu). Tăng huyết áp và thiếu máu xuất hiện khi đã có suy thận, đặc biệt khi suy thận nặng.
Xét nghiệm máu sẽ thấy urê máu cao, nước tiểu có protein (protein niệu) và axít uric máu tăng. X-quang và siêu âm sẽ giúp ích cho việc chẩn đoán viêm cầu thận mạn hiệu quả hơn. Vì vậy, việc chẩn đoán xác định viêm cầu thận mạn có thể dựa vào các triệu chứng lâm sàng (phù, tái phát nhiều lần, đái ít, tăng huyết áp), các kết quả xét nghiệm (thiếu máu, protein niệu, hồng cầu niệu, trụ hạt, tăng urê máu, tăng creatinin máu, tăng axít uric máu, trong khi đó mức lọc cầu thận giảm) và kết quả của các cận lâm sàng khác (siêu âm, X-quang thận, hai thận teo nhỏ đều).
Việc điều trị và phòng bệnh viêm cầu thận mạn: cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng tùy theo từng giai đoạn của bệnh. Khi viêm cầu thận mạn chưa có suy thận, chủ yếu là điều trị triệu chứng (phù, tăng huyết áp…). Ngoài điều trị triệu chứng và kháng sinh (nếu có đợt nhiễm khuẩn), cần nghỉ ngơi, ăn nhạt, kiêng rượu, bia tuyệt đối, hạn chế lượng nước đưa vào cơ thể theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị. Người bệnh không nên tự mua thuốc để điều trị hoặc nghe theo sự mách bảo của người không có chuyên môn về y học sẽ bất lợi cho thận khi đang nó lâm bệnh, nhất là dùng các loại thuốc gây độc cho thận.
Để phòng bệnh viêm cầu thận mạn, khi nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám bệnh ngay. Không để mắc các bệnh về viêm họng, mụn nhọt, chốc lở (đây là các nguyên nhân gây viêm cầu thận cấp). Muốn vậy, cần vệ sinh họng miệng luôn sạch sẽ bằng cách đánh răng sau khu ăn, trước và sau khi ngủ dậy, nếu có thể, súc họng bằng nước muối nhạt, dung dịch sát khuẩn trước lúc đánh răng.
Cần vệ cá nhân sạch sẽ để tránh mắc các bệnh về da (mụn, nhọt…). Khi bị mắc bệnh về họng miệng, mụn nhọt cần khám bệnh để được điều trị càng sớm càng tốt. Để không mắc bệnh viêm gan do virút viêm gan B tốt nhất là tiêm phòng bằng vắcxin, ngoài ra không dùng chung bơm kim tiêm, nếu sinh hoạt tình dục với người bị viêm gan B, C cần dùng bao cao su.
Cần khám bệnh định kỳ và điều trị dứt điểm các bệnh đã được phát hiện (luput hệ thống, đái tháo đường, viêm họng, chốc, lở…) để phòng biến chứng viêm cầu thận mạn. Những bệnh nhân đã bị viêm cầu thận cần khám bệnh theo lời dặn của bác sĩ để xét nghiệm máu, nước tiểu, kiểm tra huyết áp, trên cơ sở đó bác sĩ có tiên lượng về bệnh của mình và có hướng điều trị tốt.
TS.BS. BÙI MAI HƯƠNG