Phối giống bò trên giấy, vì sao không ai bị xử lý?

TPO - Cơ quan chức năng đã xác định được người chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra các sai phạm trong việc thực hiện chương trình phối bò giống công ích tại Đắk Lắk, song không xử lý kỷ luật vì đã hết thời hiệu.

Ngày 8/7, Công an TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) thông tin đang xác minh nguồn tin tội phạm quan đến việc phối bò giống tại Trạm Khuyến nông thành phố này theo yêu cầu của Viện KSND thành phố.

Trước đó, đầu năm 2022, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã chỉ ra nhiều vi phạm trong chương trình phối giống cho bò được nhà nước trợ giá tại địa bàn Đắk Lắk.

Cụ thể, năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk (nay là Trung tâm Khuyến nông giống cây trồng vật nuôi và thủy sản tỉnh Đắk Lắk) được cấp 3.750 liều tinh bò, 3.750 bộ dụng cụ phối giống và hơn 100 triệu đồng tiền công phối giống cho 2.500 con bò. Sau đó, trung tâm này triển khai việc phối giống trên 4 địa bàn, trong đó có TP. Buôn Ma Thuột.

Bộ NN&PTNT phát hiện nhiều vi phạm trong chương trình phối giống bò

Tuy nhiên, Thanh tra Bộ NN&PTNT phát hiện Trạm Khuyến nông TP. Buôn Ma Thuột được Trung tâm Khuyến nông tỉnh giao kế hoạch nhưng không thực hiện mà lập chứng từ khống để nghiệm thu, thanh quyết toán hợp đồng, như: không có người dân trong danh sách trên địa bàn, chữ ký không phải của người dân, hoặc người dân không có bò phối giống nhưng vẫn có tên trong danh sách. Do đó, Bộ NN&PTNT yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo xử lý hành chính các tập thể, cá nhân có liên quan.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk, ngày 9/6/2022 Sở NN&PTNT kết luận, để xảy ra các sai phạm trên, ông Ngô Nhân- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh là người chịu trách nhiệm chính. Ông Nhân ban hành văn bản 56 ngày 18/1/2018 (về việc thực hiện chương trình sản xuất và cung ứng sản phẩm công ích giống gốc vật nuôi năm 2018) không đảm bảo tính hợp pháp; không giao nhiệm vụ, thiếu kiểm tra, đôn đốc cấp dưới thực hiện nhiệm vụ… Hội đồng kỷ luật của Sở đề xuất hình thức kỷ luật khiển trách song thời hiệu xử lý kỷ luật đã hết nên ông Ngô Nhân chỉ bị phê bình.

Trạm Khuyến nông TP. Buôn Ma Thuột giải trình gì?

Cùng với đó, UBND TP. Buôn Ma Thuột cũng yêu cầu Trạm Khuyến nông thành phố báo cáo việc kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan tới vụ việc trên. Theo Trạm Khuyến nông thành phố, năm 2018 đơn vị này không nhận tiền và vật tư, văn bản chỉ đạo có tính pháp lý từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh liên quan đến chương trình phối giống bò. Năm 2018, đơn vị này cũng không có khoản thu chi công tác thụ tinh nhân tạo cho bò.

Ông Lê Đức Ninh, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông TP. Buôn Ma Thuột- người tổng hợp danh sách số hộ dân có bò phối giống thừa nhận thiếu cẩn thận dẫn đến sai sót mà Thanh tra Bộ NN&PTNT kết luận: Ghi tên, họ của chủ hộ không đúng; sai địa chỉ xã phường; một số trường hợp không có tên trên xã phường; chữ ký không phải của người dân.

Ông Ninh cho biết, năm 2018, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh trao đổi sẽ hỗ trợ cho địa phương số tinh và vật tư để thụ tinh cho 1.000 con bò cái có chửa và đề nghị tổng hợp danh sách báo cáo trung tâm. Ông Ninh nghĩ trung tâm đã giao tinh và vật tư cho Dẫn tinh viên xã, phường (lực lượng không thuộc quản lý của Trạm khuyến nông) nên lấy số liệu từ Dẫn tinh viên để tổng hợp báo cáo trung tâm mà không tham mưu nội dung này cho lãnh đạo Trạm Khuyến nông thành phố.

Trụ sở của Trạm Khuyến nông TP. Buôn Ma Thuột

Cũng theo ông Ninh, hoạt động thụ tinh nhân tạo cho bò đã thực hiện xã hội hóa từ nhiều năm; Dẫn tinh viên của cơ sở chủ yếu là làm dịch vụ. Hằng năm, để có số lượng phối bò giống, Trạm Khuyến nông phải lấy số liệu từ đội ngũ này.

Năm 2019, ông Ninh được Trung tâm Khuyến nông tỉnh giao 17 triệu đồng tiền hỗ trợ công phối giống 1.000 con bò có chửa. Số tiền này ông Ninh trả cho 2 người thực hiện phối giống cho bò. Đến năm 2021 sau khi nhận thấy sai sót, ông Ninh đã thu trả lại. Trạm Khuyến nông TP. Buôn Ma Thuột đề nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với ông Ninh và tập thể lãnh đạo đơn vị năm 2018.