Tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử 2019: "Chuyển đổi cùng công nghệ CHIP" (Thời báo Kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước và Napas tổ chức sáng 10/12), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết về Cách mạng 4.0, Chính phủ cũng có nhiều Nghị quyết, Chiến lược, Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng làm sao tận dụng tốt thời cơ của Cách mạng 4.0, để Việt Nam không bị bỏ lỡ nhưng phải bằng hành động cụ thể.
Phó thủ tướng nhấn mạnh, việc đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt không đơn thuần như trước đây nhằm tăng sự luân chuyển đồng vốn trong toàn xã hội, không để đồng tiền bị chết, không chỉ là vấn đề minh bạch chống rửa tiền tham nhũng mà nếu làm tốt thì sẽ thúc đẩy nền kinh tế Internet lên.
Nền kinh tế khu vực Đông Nam Á rất năng động, kinh tế Internet quy mô 100 tỷ USD, dự kiến 5 năm tới tăng gấp 3 lần. Vậy Việt Nam đang ở đâu? Phó Thủ tướng đặt câu hỏi và cũng nhân dịp bàn về chủ đề công nghệ CHIP, Phó thủ tướng đã kể lại một câu chuyện "ôn cố chi tân" để thúc đẩy các bộ, ngành, doanh nghiệp quyết tâm làm.
"Cách đây 30 năm ngành bưu điện có 2 việc đáng nhớ: Lúc đó, cả thế giới có công nghệ GSM, công nghệ số, những nước trong khu vực như Thái Lan dùng công nghệ tương tự này và sẵn sàng chuyển giao không mất tiền cho VIệt Nam. Nhưng Việt Nam đã từ chối để đi thằng vào Công nghệ GSM 2G. Việt Nam là một trong những nước tiên phong và có kết quả.
Ngày đó công dân Hà Nội và Tp.HCM còn nhớ các bốt điện thoại, 1 dạng màu vàng, và dùng thẻ từ, và màu xanh, Đức Pháp hợp tác dùng thẻ chip. Lúc đó có ý kiến ví von, điện thoại dùng thẻ từ lúc đó tương tự như đánh máy ra rồi photo rồi gửi thư qua bưu điện, còn điện thoại dùng thẻ chip đánh máy dùng máy fax chuyển đi khắp nơi.Phải chăng bây giờ chúng ta cũng tương tự như vậy?".
Phó Thủ tướng gợi nhắc lại và nhấn mạnh: Chúng ta có thể bàn về công nghệ nhưng chắc chắn nếu mạnh dạn tiến thẳng lên 1 bước thì sẽ không bị lỡ.
"Để làm việc này cần sự đồng lòng kêu gọi không chỉ cơ quan nhà nước mà chúng ta cần bàn sâu sát với doanh nghiệp.. Chúng ta phải thay đổi cả hạ tầng, sẽ là sự tốn kém nhưng nếu cần thiết cho đất nước phát triển thì sự tốn kém ấy về lâu dài bù đắp lại kinh tế xứng đáng. Đó cũng là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, ngân hàng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng nói thêm: Chính phủ điện tử suy cho cùng là ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, giúp minh bạch hơn. Tôi phỏng vấn 100 người thì 99 người sau khi gợi ý đều nói vậy, nhưng có vài người nói rằng ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ giúp quản lý điều hành tốt hơn mà còn huy động người dân tham gia vào công việc quản lý xã hội nhiều hơn.
Người Việt Nam có câu đồng tiền đi liền với khúc ruột, an toàn an ninh trong thanh toán trong đồng tiền với người dân là thiết thực. Đẩy mạnh thanh toán diện tử, tận dụng thời cơ kinh tế số, chúng ta thúc đẩy và phải làm sao mọi người dân thấy lợi tham gia vào.
"Chúng ta phải đẩy mạnh công nghệ, tiến tới tất cả các thông tin được tích hợp, từ nhân thân, bảo hiểm, y tế, ngân hàng phải được liên thông và kết nối. Và để làm được chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều, cả kể việc xem xét thời điểm và cùng với đó là chương trình mọi người dân dù nghèo đều phải có Smartphone. Phải vận động giải thích người dân cùng tham gia", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng khẳng định, những năm trước, Chính phủ đã có chỉ đạo rõ tiền thuế, bảo hiểm, điện lực viễn thông phải thanh toán không dùng tiền mặt. Chính phủ đầu năm nay cũng quyết định bắt buộc 2 ngành liên quan đến người dân nhiều nhất là Giáo dục, Y tế phải triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.