Đáp án chính thức các môn thi khối B, C, D
Với đề thi đại học năm nay, Thứ trưởng nhận xét gì về điểm thi?
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Kết quả phải chờ đến khi chấm thi, nhưng với kiểu ra đề như thế này, phổ điểm năm nay tốt hơn ở chỗ, không có quá nhiều điểm thấp như trước đây..., giúp các trường dễ dàng chọn thí sinh phù hợp vào các ngành của trường mình.
Đề thi môn Ngữ văn, Địa lý được đánh giá cao vì ra theo hướng mở, gắn với thực tiễn đời sống chính trị xã hội và yêu cầu kiến thức liên bộ môn. Xin Thứ trưởng cho biết, quan điểm của Bộ GD&ĐT khi ra đề thi?
Quan điểm của Bộ khi ra đề thi làm sao cho tính phân loại cao, không quá khó, nằm trong chương trình.
Còn Ban chỉ đạo tuyển sinh không ai có thể trả lời được về nội dung trong đề thi sẽ như thế nào, vì ban đề thi hoạt động độc lập hoàn toàn. Bộ chỉ chỉ đạo hướng ra đề như thế nào cho phù hợp như có tính phân loại, còn nội dung đề thi do ban đề thi chịu trách nhiệm.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng cho biết, sau mỗi đợt thi, Bộ GD&ĐT đã gửi hướng dẫn chấm thi.
Ở đợt hai này, chiều 10-7, Bộ đã gửi cho các trường cái phương án chấm thi, cũng như đáp án để ựa vào đó chấm bài.
Với đề thi các khối như năm nay, dự kiến điểm sàn có thay đổi không, thưa Thứ trưởng?
Cái này chưa tính được vì khi có kết quả chấm thi xong mới biết. Nhiều yếu tố tác động tới điểm sàn như sự dịch chuyển của thí sinh khu vực này sang khu vực khác, cơ cấu ngành nghề, quy hoạch nguồn nhân lực...
Rất khó có thể phán đoán điểm sàn ở thời điểm này. Nhưng với tình tình kết quả thí sinh ra khỏi phòng thi phấn khởi, làm bài tốt hơn năm ngoái, hy vọng điểm sàn không thấp hơn năm 2011.
Cuối tháng 7 các trường sẽ công bố điểm thi và trước ngày 10- 8, Bộ sẽ công bố điểm sàn.
Việc khuyến khích các trường tự tổ chức thi riêng đã bàn nhiều, năm sau có áp dụng không?
Bộ rất khuyến khích và mong muốn các trường đứng ra tổ chức thi riêng. Trước đây, các trường tưởng Bộ muốn ôm lấy, nhưng thực ra Bộ muốn các trường làm việc này với điều kiện không được tái diễn việc dạy thêm học thêm, là vấn đề nhức nhối trước đây.
Việc tổ chức “3 chung” cho thấy, đã tạo sự công bằng cho thí sinh ở vùng sâu, xa với học sinh thành phố. Các trường làm sao đừng lặp lại nhức nhối của quá khứ thì có thể được chấp nhận thi riêng.
Đến thời điểm này, chưa có trường nào đề xuất phương án cụ thể về chuyện này. Nếu tổ chức thi riêng, sau đấy, trường nào cũng luyện thi ầm ầm thì xã hội không chịu được.
Luật Giáo dục đại học cũng nói rõ, các trường tự chủ trong tuyển sinh. Các trường có quyền chọn phương án thi cho phù hợp, có thể thi, có thể xét tuyển. Các trường trọng điểm mà Bộ đã yêu cầu lên phương án tổ chức thi riêng, nếu khả thi thì áp dụng cho trường mình.
Vấn đề là làm thế nào để các trường làm cho tốt việc tự chủ, làm sao cho tốt hơn, xã hội ít bị xáo trộn và khó khăn.
Xin Thứ trưởng nhận xét những cái “được” trong hai đợt thi vừa qua?
Thứ nhất, đề thi tốt hơn trước đây về chất lượng. Nội dung đề thi nằm trong chương trình phổ thông, mới về cách ra đề làm cho học sinh không chỉ học thuộc, mà dựa trên kiến thức, có thể suy luận, phát biểu suy nghĩ, ý kiến cá nhân... Nó giúp cho cách dạy học ở phổ thông thay đổi theo, không bắt học sinh học thuộc quá nhiều thông tin không cần thiết.
Thứ hai, việc tổ chức thi vừa qua nghiêm túc hơn nhiều trước đây và cơ chế giám sát đa chiều đã phát huy tác dụng, làm cho kì thi nghiêm túc, xã hội nắm được tất cả thông tin trong công tác tổ chức thi.
Công khai toàn bộ hoạt động về quy trình tổ chức thi. Diễn biến kì thi cũng được xã hội nắm tường tận và các phương tiện thông tin cùng Bộ tham gia việc giám sát trong suốt quá trình thi.
Như vậy, không còn việc cô lập hội đồng thi với xã hội bên ngoài, thông tin đến với xã hội một cách công khai, minh bạch hơn. Có gì xảy ra không tốt thì cùng xử lý tốt hơn.
Xin cảm ơn Thứ trưởng.
Đỗ Hợp ghi