Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội tham quan các không gian sáng tạo

TPO - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng lãnh đạo các sở ngành thành phố Hà Nội tham quan các không gian sáng tạo trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024.

Sáng 10/11, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng lãnh đạo các sở ngành thành phố Hà Nội đã đến tham quan các không gian sáng tạo trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội - trước kia là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn phong tham quan tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Ảnh: Lại Tấn

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tham quan tổ hợp triển lãm nghệ thuật tại tòa nhà Trường Đại học Tự nhiên (trước đây là Đại học Tổng hợp). Ảnh: Lại Tấn

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá cao nỗ lực của Ban Tổ chức, cộng đồng sáng tạo tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2024. Các nội dung trưng bày, sự kiện, tọa đàm trong lễ hội góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, thu hút đông đảo du khách đến Hà Nội.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 với chủ đề Giao lộ sáng tạo diễn ra từ ngày 9-17/11, tập trung vào 3 trụ cột chính gồm: Thiết kế, cộng đồng và sáng tạo. Lần đầu Giao lộ sáng tạo sẽ được thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội.

Bắc Bộ Phủ lần đầu mở cửa đón du khách tham quan

Theo thông tin từ BTC, khu vực chính diễn ra lễ hội là quảng trường Cách mạng tháng Tám, kết nối trục Tinh hoa di sản (phố Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông) và trục Kinh tế sáng tạo (dốc Bác Cổ - phố Tràng Tiền), gồm các công trình kiến trúc nổi bật như Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ), Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Tự nhiên (Đại học Tổng hợp cũ)... và các vườn hoa Lý Thái Tổ, Diên Hồng, Cổ Tân, 19/8, Tao Đàn.

Lễ hội gồm 3 công trình biểu tượng Pavilion mang tên Hành lang thơ ngây tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, Dòng ở Vườn hoa Diên Hồng và Bắc Bộ Phủ, Rồng rắn lên mây tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Các công trình biểu tượng được sắp đặt để tương tác với di sản, tạo ra cuộc đối thoại với di sản và tạo sức sống cho các di sản.

Không gian bên ngoài Bắc Bộ Phủ. Ảnh: Duy Phạm

Thông qua sự tương tác này, các nhà sáng tạo muốn viết tiếp câu chuyện sáng tạo kết nối với quá khứ, nhằm tạo ra thể thống nhất giữa truyền thống và hiện đại, có sự kế thừa và phát triển và cũng tạo ra cuộc đối thoại liên thế hệ.

Ngoài ra, nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm cũng được thực hiện ngay trong các không gian di sản gồm Cung Thiếu nhi Hà Nội và Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Tổng hợp cũ).