Phố bên Đồi: Dự án níu quá khứ

TP - Họ đều là những bạn trẻ thuộc thế hệ 9x và đã có những thành đạt trong cuộc sống. Nhưng họ tìm đến nhau chỉ vì chung một ý tưởng rất đẹp là chung tay níu kéo cái hồn xưa cũ của TP Đà Lạt. Dự án văn hóa mang tên Phố bên Đồi ra đời từ ý tưởng này.
Một bức tranh Phố bên Đồi trưng bày trong triển lãm lần đầu tiên

Yêu Ðà Lạt đến tột cùng

Sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, sau những năm đi xa học đại học, năm 2016 trở về với Đà Lạt, Nhà thiết kế trẻ Nguyễn Trung Hiền cảm thấy hụt hẫng khi thấy Đà Lạt thay đổi nhiều quá. Đà Lạt đã từng được ví như một bảo tàng kiến trúc châu Âu thế kỷ XX. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh chóng đang làm mất dần các hình ảnh đặc trưng, các di sản kiến trúc giá trị, hàng thông xanh ngát, những mái nhà chóp nhọn… những gì vốn gắn liền với hình ảnh đặc trưng của Đà Lạt. Nguyễn Trung Hiền kể: “Tôi nhớ về quá khứ và bỗng mong muốn làm sao níu kéo lại được những vẻ đẹp của quá khứ. Tôi đã nảy ra ý định kêu gọi những họa sỹ trẻ cùng nhau giữ lại quá khứ qua dự án vẽ tranh. Điều tôi bất ngờ là ý định của tôi đã được rất nhiều người ủng hộ. Chính vì thế, dự án triển lãm tranh Phố bên Đồi lần đầu tiên thu hút 10 họa sỹ trẻ khắp cả nước tham gia với hơn 40 bức tranh phản ánh nhiều chủ đề: đẹp danh thắng, con người, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu. Tuy khác nhau về góc độ sáng tác và sự tìm tòi sáng tạo, các tác phẩm đều cùng hướng đến một thông điệp: Sự tác động sâu sắc của môi trường đến đời sống đô thị và thị dân đang là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp. Sự thành công của Phố bên Đồi lần 1 năm 2016 đã giúp cho chúng tôi tiếp tục mở triển lãm những lần tiếp theo.

Triển lãm Phố bên Đồi 2016 

Còn Kiến trúc sư Vũ Đức Chiến (Người tham gia Phố bên Đồi từ lần đầu tiên) chia sẻ: “Những di tích lịch sử, những công trình kiến trúc nghệ thuật, hay những dãy phố, con đường, phương tiện giao thông, thậm chí gánh hàng rong, tất cả đều là hình ảnh đặc trưng của đô thị. Với Đà Lạt thì càng có sự riêng biệt bởi đây là một thành phố núi với sự phát triển mang đậm dấu ấn kiến trúc của cả châu Âu lẫn vẻ đẹp Á Đông. Nhưng nhịp sống hiện đại đang vô tình cuốn trôi các giá trị tinh thần và vật chất này. Vì vậy một sân chơi văn hóa sẽ lan tỏa và mời gọi mọi người chung tay lưu giữ, chia sẻ những giá trị cốt lõi này”.

Phố bên Đồi hoàn toàn không phải là một sân chơi nghệ thuật thuần túy mà thông qua các ý tưởng cao đẹp, sức lan tỏa của Phố bên Đồi đã lay động người xem, khiến cho nhiều người cùng mong muốn chung tay với Phố bên Đồi. Đã có nhiều người trẻ nổi tiếng nhận lời tham gia với Phố bên Đồi. Về kiến trúc, có thạc sĩ kiến trúc Nguyễn Yến Phi (Đại học Harvard, Mỹ), tiến sĩ kiến trúc Hoành Trần, tiến sĩ kiến trúc Archie Pizzini (giảng viên Đại học RMIT), tiến sĩ Caroline Herbelin (Đại học Toulouse- Pháp), nhà nghiên cứu văn  hóa Olivier Tessier (Viện Viễn Đông bác cổ)… Về lĩnh vực hội họa có hoạ sỹ Lê Kinh Tài, Bùi Tiến Tuấn, Nguyễn Minh Thành và nhiều họa sĩ trẻ tài năng khắp cả nước. Lĩnh vực âm nhạc có nghệ sĩ Ngô Hồng Quang, nhạc sĩ Dương Đình Tuyên Đức, Bùi Tuyến và các nhóm nhạc Cá Hồi Hoang, Titanium… Đặc biệt lĩnh vực ký họa đô thị sẽ do nhóm Urban Sketchers Vietnam đảm trách. Đây là nhóm đã từng vẽ giao lưu và triển lãm tại Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore, Hong Kong...  Urban Sketchers Vietnam đã tạo nhịp cầu kết nối, giao lưu cho giới kiến trúc sư, họa sĩ, sinh viên mỹ thuật, những người yêu thích ký họa tại Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, Đà Lạt... cùng góp sức để làm Phố bên Đồi.

Vì một Ðà Lạt của tương lai

Năm nay kỷ niệm 125 năm ra đời thành phố hoa Đà Lạt và cũng là năm thứ 3 của Phố bên Đồi. Trẻ hơn rất nhiều so với tuổi đời của Đà Lạt nhưng những bạn trẻ tham gia Phố bên Đồi đã mạnh dạn đột phá, xây dựng một sự kiện nghệ thuật cộng đồng dài hơi mang thông điệp “Bảo tồn di sản đô thị, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là trách nhiệm của mọi thị dân đang sinh sống tại các đô thị Việt Nam và thế giới”. Sự kiện sẽ kéo dài hơn 4 tháng với nhiều chuỗi hoạt động mang tính hướng tới cộng đồng như triển lãm tranh, hội thảo …với chủ đề nhìn lại cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Phố bên Đồi sẽ là một không gian văn hóa - nghệ thuật, nơi hài hòa giữa phát triển tương lai và bảo tồn bản sắc của quá khứ.

Lần này Phố bên Đồi sẽ được tổ chức tại Farm Cầu Đất- Nơi có nhà máy chè gần 100 năm tuổi của Đà Lạt và còn lưu giữ lối kiến trúc cổ mang đậm dấu ấn một Đà Lạt xưa. Nhóm tổ chức hy vọng với việc mở rộng quy mô, Phố bên Đồi sẽ trở thành điểm đến văn hóa mới với khoảng 45 ngàn du khách đến thăm.

Nhà thiết kế Nguyễn Trung Hiền cho biết: “Nhóm thực hiện mong muốn chung tay đóng góp vào sự phát triển bền vững của Đà Lạt nhân dịp thành phố này kỷ niệm 125 tuổi. Dự án mong muốn một lần nữa đưa nghệ thuật - nét đẹp mỹ thuật - đến gần cộng đồng hơn để cùng nhau giữ lấy những giá trị chân thiện mỹ, cùng nhau ươm những hạt mầm xanh tươi mát cho Đà Lạt hôm nay và ngày mai”.

Được hỏi về 3 năm làm dự án, nhóm tổ chức đã thu được lợi nhuận gì thì Nguyễn Trung Hiền cười: “Lợi nhuận lớn nhất mà chúng tôi có được là dự án đã được rất nhiều người biết tới và chung tay ủng hộ. Hiện tại chúng tôi vẫn xác định đây là dự án vì cộng đồng nên chúng tôi thống nhất là không vì lợi nhuận. Chúng tôi muốn vun đắp sự tự hào về di sản và bồi dưỡng nhận thức để bảo tồn di sản bằng việc sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật đương đại đa hình thái. Phố bên Đồi kỳ vọng đóng góp vào sự phát triển bền vững của Đà Lạt, định vị hình ảnh của Đà Lạt như một điểm đến văn hóa mới của Đông Nam Á”.

Phố bên Đồi là dự án  nâng cao nhận thức về bảo tồn di sản kiến trúc, quy hoạch đúng cảnh quan đô thị và thúc đẩy phát triển môi trường xanh và lành mạnh để tạo sự phát triển bền vững của thành phố trong tương lai. Dự án được thực hiện với sự tham gia của tất cả cộng đồng những người cùng chia sẻ những giá trị thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật đương đại.  Sự kiện Phố bên Đồi 2018 sẽ quy tụ hơn 125 tác phẩm nghệ thuật, gần 50 nghệ sĩ và chuyên gia tham gia đóng góp giá trị cho cộng đồng.