Phim và chiếu

TP - Chiếu ở đây không là động từ (chiếu phim để xem), mà là… chiếc chiếu, để đắp cho kín!

> 'Thái sư Trần Thủ Độ' đang mắc... sóng
> Cánh diều vàng 2012: Victor Vũ thắng lớn

Một chiếc chiếu to vừa lật, khi bộ phim lịch sử truyền hình “Thái sư Trần Thủ Độ” được đơn vị sản xuất đánh tiếng “biếu không” cho VTV để trình chiếu cho khán giả xem, mà chưa thấy bên được biếu ỏ ê câu nào. Dài 30 tập, bộ phim có kinh phí trên 56 tỷ đồng từ ngân sách. Đây là công trình chào mừng Ngàn năm Thăng Long, nhưng không kịp hoàn thành. Nay đã quên béng rồi, bỗng báo chí nhắc lại, nên mới nhớ rằng từng có bộ phim như vậy, cất trong kho.

Suốt cả chục mùa hè, đến hè này cũng vậy, vẫn thấy thầy trò Tôn Ngộ Không sùng sục vác gậy đuổi đánh tiểu yêu trên truyền hình. Lớp thiếu niên ngày ấy từng xem “Tây du ký”, nay đã làm bố làm mẹ, đến lượt con cái tiếp tục được “ôn luyện”. Trong lúc nhiều đạo diễn hoạt hình than thở rằng, hầu hết phim các ông làm ra chỉ để tranh giải liên hoan rồi đắp chiếu nhập kho. Truyền hình không mặn mà thì chịu.

Bảo phim quốc doanh chỉ biết làm ra, còn người xem quan tâm đến đâu, quảng bá ra sao mặc kệ, hẳn cũng không phải. Nhớ mấy năm trước, tại cuộc họp báo, một dàn diễn viên dự tuyển phim “Em muốn làm người nổi tiếng” (làm bằng tiền ngân sách) chơi chiêu lạ, đó là ra mắt biểu diễn, và…hát cho hơn 60 nhà báo văn nghệ nghe! Cũng quảng bá câu view rầm rộ lắm, nhưng phim này chỉ sống qua được một cái Tết.

Nhiều phim, cả của tư nhân, được hô hoán, đeo những cái tên nóng rực, nhưng ra rạp lèo tèo mấy người. Kịch bản dở, nhạt nhẽo, “cưỡng tình đoạt lý”, lại thêm lười biếng mọi khâu, chỉ được cái giàu ảo tưởng, đó là bệnh chính của phim Việt. Chả hót-gơn nào cứu được.

Bí với thực tại, bây giờ các nhà làm phim, kể cả sân khấu bắt đầu ồ ạt quay lại ngày xưa, như khai thác kịch bản từ dòng Tự Lực Văn đoàn. Hay hàng loạt “Số đỏ”, “Kỹ nghệ lấy Tây”, “Cơm thầy cơm cô”… của Vũ Trọng Phụng từ thời 30-45 được truyền hình dựng phim.

Thôi, gì thì gì, lấy tiền thuế của dân làm phim, thì ít nhất để dân được xem, và phát biểu rằng “xem được!”. Bởi manh chiếu không thể làm thay chức năng của màn ảnh.

Theo Báo giấy