Phim hình sự Việt đang 'trở mình'

TP - Sức hút của bộ phim “Mặt nạ gương” vừa lên sóng trên khung giờ vàng của VTV3 đã một lần nữa minh chứng dòng phim hình sự Việt đang có những bước chuyển mình đầy mới mẻ để ngày càng đến gần hơn với khán giả.
Đạo diễn Bùi Quốc Việt đang chỉ đạo diễn xuất cho các diễn viên trong đoàn phim “Mặt nạ gương”.

Không chỉ là ma túy, cướp của, giết người…

Mới đây, một đơn vị truyền thông đã tung ra bảng xếp hạng Top 10 Phim truyền hình Việt Nam năm 2021 (tính tới hết tháng 10/2021), tính theo lượng người xem từ độ tuổi 15-54 tuổi, tại bốn thành phố lớn. Theo đó, bộ phim “Mặt nạ gương” của đạo diễn Bùi Quốc Việt dù mới lên sóng 6 tập nhưng đã bất ngờ dẫn đầu, vượt cả hai bộ phim đình đám vừa qua là “11 tháng 5 ngày” và “Hương vị tình thân”.

“Mặt nạ gương” là bộ phim nằm trong sêri "Cảnh sát hình sự" nổi tiếng, đã trở thành thương hiệu của Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam (VFC). Thay vì khai thác những yếu tố vốn quen thuộc với dòng phim hình sự như vụ án buôn bán ma túy, cướp của giết người, buôn người qua biên giới... "Mặt nạ gương" đi vào khai thác một lĩnh vực khá “nóng” trong thời gian gần đây, đó là trào lưu phẫu thuật thẩm mĩ cùng những hệ lụy của nó.

Phim kể về hành trình của Hoa (Lương Thu Trang thủ vai) là một nhà văn chuyên viết dòng trình thám có bố là bác sĩ thẩm mỹ nổi tiếng và Tùng (Bảo Anh) là bạn trai đồng thời là đội trưởng đội trọng án.

Cùng với quá trình hoàn thiện bộ truyện trinh thám của mình, Hoa dần tiếp cận và lý giải được những bí mật quanh cái chết của mẹ mình cách đây gần 20 năm. Tuy nhiên, càng đi sâu tìm hiểu, cô càng hoang mang, thậm chí có lúc rơi vào tuyệt vọng khi nghi phạm lớn nhất gây ra cái chết cho mẹ lại chính là bố cô cùng âm mưu của người mẹ kế.

Khác với các phim hình sự trước đây, “Mặt nạ gương” ít khai thác về mảng võ thuật, mà đi sâu vào tâm lý, cách nhân vật hình dung tưởng tượng ra vụ án, cách thức thực hiện và hướng giải quyết. Là bộ phim nói về hành trình phá án nhưng không có quá nhiều hình ảnh trang phục công an như vẫn thường thấy ở các bộ phim khác - điều dễ khiến các phim bị gắn mác ngành nghề.

“Mặt nạ gương còn được đầu tư công nghệ CGI là việc tạo ra các hình ảnh tĩnh hoặc động bằng phần mềm máy tính rất kĩ lưỡng vì nhân vật trong phim thường xuyên tưởng tượng ra các vụ án… Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với âm nhạc để tạo các hiệu ứng đem lại cảm xúc cho khán giả”, đạo diễn Bùi Quốc Việt cho biết.

Thiện và ác đan xen

Phim hình sự Việt đã xuất hiện cách đây khá lâu. Tuy nhiên, sau thành công của bộ phim “Bí mật Tam Giác Vàng” (2013, đạo diễn Nguyễn Dương), hàng loạt tác phẩm cùng chủ đề xuất hiện, nhưng đều rơi vào cảnh nhàm chán bởi cách làm phim đi vào lối mòn, sáo rỗng. Việc phát triển các mảng đề tài dàn trải, thiếu đột phá, kịch bản cũ kỹ; cách xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an, cảnh sát hình sự lúc nào cũng áo mũ chỉnh tề, lời thoại đậm chất kịch, diễn xuất, lời thoại cứng nhắc, khiến mảng phim hình sự gần như “hụt hơi” dần trong mắt công chúng.

Chỉ đến năm 2017, “Người phán xử” ra đời và tạo nên tiếng vang lớn, khi phản ánh thế giới xã hội đen bằng chính những con người sống trong xã hội ấy, chứ không phải hình ảnh bôi đen thái quá của người ngoài cuộc.

Từ thành công của “Người phán xử”, hàng loạt phim hình sự được ra đời với lối khai thác đa chiều. Có thể nhắc tới các bộ phim như “Hồ sơ lửa”, “Vực thẳm vô hình”, “Đánh tráo số phận”, “Con gái của bố già”, “Mật mã hoa hồng vàng”, “Hồ sơ cá sấu”… cho đến “Mặt nạ gương”.

Không chỉ có chuyện điều tra, phá án đơn thuần, những bộ phim này còn đan xen chuyện gia đình, tình yêu, khai thác tâm lý nhân vật. Mỗi một nhân vật trong phim đều có góc khuất, có mặt sáng và mặt tối. Nếu không tỉnh táo, khán giả sẽ bị lẫn lộn trong ma trận của thiện-ác, chính-tà. Điều này khiến phim trở nên hấp dẫn hơn.

Theo bật mí của đạo diễn “Mặt nạ gương”, phim sẽ chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ, chứ không dễ đoán như mô-tip của nhiều phim hình sự trước đây. Sau khuôn mặt đó là tính cách gì, có thể là bạn, là thù, kẻ địch và cũng có thể là đồng minh… Các nạn nhân chỉ là bước đệm để kẻ chủ mưu dẫn đến mục đích cuối cùng, hung thủ hay nạn nhân, kẻ chủ mưu hay người bị hại đều có thể trở thành “trùm cuối”.

Một điểm khác biệt dễ nhận thấy là hình ảnh người chiến sĩ công an không còn hiện lên cứng nhắc, mà được khai thác nhiều hơn khía cạnh tình cảm, đời sống riêng… khiến họ trở nên đời hơn, gần gũi hơn. Đó là Hải trong “Hồ sơ cá sấu”, một người đa mưu dũng cảm, sẵn sàng vượt mọi hiểm nguy để vén màn sự thật nhưng cũng là một người chồng ghen tuông mù quáng, dễ bị cảm xúc chi phối. Hay Tùng trong "Mặt nạ gương", là một chiến sĩ điều tra thông minh, quyết đoán nhưng cũng là một chàng trai ấm áp, tin cậy với người mình yêu.

Lắng nghe phản hồi của khán giả

Nói về cái khó của dòng phim hình sự, đạo diễn Bùi Quốc Việt chia sẻ, thách thức lớn nhất là những chi tiết rất nhỏ có thể gieo từ những tập đầu tiên đôi khi lại là những mắt xích để tạo ra những bước ngoặt rất lớn sau này. Chỉ cần khán giả bỏ qua, không chú tâm thì sẽ bị mất mạch của phim, từ đó thấy phim rối rắm, khó hiểu.

Còn theo đạo diễn Mai Hiền (phim “Hồ sơ cá sấu”), cách kể chuyện trong những bộ phim hình sự là vô cùng quan trọng. Chính vì thế, nhiệm vụ của biên kịch là dẫn dắt câu chuyện sao cho chân thật và gần gũi với đời sống. Những chi tiết trong phim phải đời nhất.

Những năm gần đây, các đoàn phim cũng đã biết quan tâm nhiều hơn đến phản hồi của khán giả và chú trọng tăng tương tác của người xem đối với phim thông qua mạng xã hội. Người xem có thể đưa ra bình luận, phản hồi về các tình tiết trong phim, thậm chí cả kết phim trên các trang fanpage.

Đối với các bộ phim hình sự, những cảnh quay hậu trường có sức hấp dẫn lớn đối với khán giả, bởi họ tò mò muốn biết những cảnh hành động được thực hiện như thế nào, những tình tiết bí ẩn sẽ được hé lộ ra sao.

Biên kịch phim “Mê cung”, ông Nguyễn Trung Dũng cũng tiết lộ, bên cạnh việc giữ nguyên cốt truyện văn học, biên kịch sẽ đưa thêm những yếu tố gia đình, bạn bè, tình yêu vào trong phim để gần gũi hơn với khán giả. Những câu thoại không sáo rỗng mà trở nên gần gũi như ngôn ngữ nói hàng ngày.

“Một điểm mới nữa là biên kịch cũng trực tiếp tham gia tuyển chọn diễn viên để tìm được người phù hợp nhất với nhân vật, tham gia quá trình quay phim và sản xuất. Biên kịch sẽ cùng đạo diễn và diễn viên thảo luận, phản biện để đi đến tận cùng cảm xúc, nội tâm nhân vật và tạo ra sự logic cho mạch phim", ông Dũng cho hay.